• Nhà B101, phố Nguyễn Hiền, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội

  • 024 38682321/ Email: mhn@hou.edu.vn

6
6

Giới thiệu

Quá trình hình thành và phát triển của Trường Đại học Mở Hà Nội

Lượt xem: 60134    14/11/2017

1. Quá trình thành lập Trường Đại học Mở Hà Nội

Từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới vào cuối những năm 80 và trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đang tiếp diễn, Việt Nam đứng trước một thách thức có tính lịch sử: vừa chống nguy cơ tụt hậu, vừa tăng tốc phát triển để trong một khoảng thời gian không dài có thể rút ngắn khoảng cách và bắt kịp trình độ phát triển của đa số các nước trong khu vực, tạo thế bình đẳng trong quá trình hội nhập, toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Để đạt được điều đó thì vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có tầm quan trọng sống còn. Do đó cần mở rộng cơ hội học tập, tạo điều kiện rộng rãi cho mọi người dân, đặc biệt là giới trẻ và những người trong độ tuổi lao động được tiếp cận các cơ hội giáo dục - đào tạo tuỳ theo nhu cầu và khả năng của mỗi người. 

Đứng trước các thách thức: cần phát triển nền kinh tế tri thức; cần giải quyết nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân, đặc biệt là sự cá nhân hoá của nhu cầu học tập; cần theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ. Để giải quyết các thách thức trên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã lựa chọn: Xây dựng xã hội học tập hỗ trợ người dân học tập suốt đời bằng cách nghiên cứu lý luận, thử nghiệm và phát triển hệ thống giáo dục mở; thực hiện thử nghiệm tự chủ giáo dục Đại học, đưa nhanh ứng dụng công nghệ vào giáo dục Đại học phục vụ người dân học mọi lúc, mọi nơi với mọi trình độ.

Trong bối cảnh đó ngày 03 tháng 11 năm 1993 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 535/TTg thành lập Viện Đại học Mở Hà Nội trên cơ sở Viện Đào tạo Mở rộng 1 (một đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), với chức năng và nhiệm vụ:

- Là một trường đại học công lập hoạt động trong hệ thống các trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý;

- Là cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu các loại hình đào tạo mở, đào tạo  từ xa, đào tạo tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, góp phần tăng tiềm lực cán bộ khoa học - kỹ thuật cho đất nước.

Năm 2018, Viện Đại học Mở Hà Nội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học. Đây là sự ghi nhận của cấp trên đối với những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể sự phạm Nhà trường trong những năm vừa qua, đồng thời khẳng định uy tín và chất lượng đào tạo của Viện Đại học Mở Hà Nội.

Viện Đại học Mở Hà Nội được đổi tên thành Trường Đại học Mở Hà Nội theo Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hình ảnh Trường Đại học Mở Hà Nội - B101 phố Nguyễn Hiền, phường Bách Khoa,

quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội (ảnh tư liệu năm 2000)

2. Hoạt động của Trường Đại học Mở Hà Nội

2.1. Hoạt động đào tạo và bồi dưỡng

Để hoàn thành sứ mạng được Đảng và Nhà nước giao phó là góp phần đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội, Trường Đại học Mở Hà Nội đã liên tục phát triển và mở rộng quy mô, các ngành nghề, trình độ đào tạo cũng như đa dạng hóa các loại hình đào tạo.

Sau hơn 1/4 thế kỷ, Trường Đại học Mở Hà Nội đã đào tạo và cung cấp cho xã hội gần 200.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, thạc sĩ và tiến sĩ... Ngoài ra Trường kết hợp với các Học viện và trường sĩ quan quân đội đào tạo và cấp chứng chỉ Đại học đại cương cho hàng ngàn học viên sĩ quan. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp được xã hội đón nhận, có việc làm ổn định. Nhiều sinh viên tốt nghiệp của Trường hiện đang giữ các vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp, cơ quan và chính quyền các cấp.

Đào tạo chính quy của Trường ngày càng khẳng định được chất lượng, thu hút ngày càng nhiều sinh viên theo học. Số sinh viên nhập học hằng năm luôn đạt chỉ tiêu được giao. Hiện nay, Trường Đại học Mở Hà Nội đào tạo đại học chính quy với 18 ngành: Quản trị kinh doanh; Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành; Kế toán; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung Quốc; Công nghệ Thông tin; Công nghệ Sinh học; Công nghệ Thực phẩm; Công nghệ Kỹ thuật Điện tử-Truyền thông; Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Kiến trúc; Thiết kế Công nghiệp; Tài chính-Ngân hàng; Luật Kinh tế; Luật Quốc tế; Luật học, Thương mại Điện tử và gần đây nhất là Ngành Quản trị Khách sạn.

Học tập tại Trường Đại học Mở Hà Nội, sinh viên có cơ hội theo học ở các trình độ thạc sĩ với 08 chuyên ngành: Quản trị kinh doanh; Kỹ thuật Điện tử; Công nghệ Sinh học; Luật Kinh tế; Ngôn ngữ Anh; Kế toán; Công nghệ Thông tin và Kỹ thuật Viễn thông và trình độ Tiến sĩ với chuyên ngành Ngôn ngữ Anh.

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong việc có được kiến thức tổng hợp và nhiều văn bằng khi tốt nghiệp, các sinh viên đủ điều kiện và đăng ký học học song song 2 văn bằng được Trường tạo điều kiện trong việc sắp xếp lịch học khoa học, thuận lợi. Hàng năm, có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp ra trường được nhận 2 bằng đại học chính quy với các chuyên ngành khác nhau. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho sinh viên có được cơ hội việc làm tốt hơn và hiệu quả công việc cao hơn.

Theo điều tra, khảo sát 5 năm trở lại đây, số lượng sinh viên có việc làm trung bình chiếm tỉ lệ gần 95% trong vòng 01 năm đầu tiên sau khi ra trường.

Nhiều năm qua, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào công tác dạy và học đã giúp cho người học có thể tiếp cận bài giảng và tri thức mọi lúc, mọi nơi, xóa đi những rào cản về không gian và thời gian, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người dân từ miền núi, vùng sâu, vùng xa đến hải đảo.

Để làm được điều đó, Đại học Mở Hà Nội nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ đào tạo tiên tiến, đồng bộ với: 3 trường quay hiện đại phục vụ đào tạo trực tuyến, hệ thống điều khiển theo tiêu chuẩn Hàn Quốc, 2 phòng phát triển nội dung với hệ thống phần mềm bản quyền và đội ngũ chuyên viên được đào tạo tại Hàn Quốc, 7 server với các thiết bị mạng, 18 phòng công nghệ với hơn 100 máy tính bảng, camera chuyên nghiệp và gần 500 máy tính đồng bộ cấu hình cao được trang bị tại các địa điểm học tập.

Luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của phương thức đào tạo từ xa trong chiến lược phát triển giáo dục và sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng người học ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, Trường Đại học Mở Hà Nội một mặt không ngừng nâng cao, đổi mới công tác quản lý đào tạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mặt khác thường xuyên tăng cường hợp tác, mở các trạm đào tạo từ xa trên toàn quốc. Hiện nay, Trường có trên 70 đơn vị hợp tác và các trạm đào tạo từ xa thuộc hơn 40 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam.

Trong mô hình đào tạo từ xa của Trường Đại học Mở Hà Nội, người học được tiếp cận kiến thức, ngành học theo nhu cầu của cá nhân. Ai muốn học ngành học nào, môn học nào trong chương trình đào tạo của Nhà trường cũng được đáp ứng, miễn là đạt được điều kiện tiên quyết để vào học. Chưa bao giờ việc tiếp cận với giáo dục đại chúng lại thuận lợi đến vậy. Có thể nói, Trường Đại học Mở Hà Nội đã thực hiện được việc cá nhân hóa học tập từ rất sớm, việc học tập, bồi dưỡng của người học trở nên thường xuyên, liên tục, suốt đời, góp phần xây dựng một xã hội học tập theo chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Với chức năng và sứ mạng được giao, Trường Đại học Mở Hà Nội đã trở thành đơn vị thể nghiệm thực tiễn Giáo dục đại học góp thêm minh chứng cụ thể cho lý luận được xây dựng trong Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

2.2. Hoạt động nghiên cứu khoa học

Trường Đại học Mở Hà Nội không ngừng tăng cường và đẩy mạnh các hoạt động khoa học, thu hút ngày càng đông số lượng cán bộ giảng viên tham gia. Trường đã động viên và có chính sách hỗ trợ cán bộ, giảng viên tham gia hoạt động khoa học. Từ năm 2010 đến nay, Trường đã thực hiện 07 đề tài cấp nhà nước, 15 đề tài cấp bộ, 05 đề tài cấp tỉnh/thành phố và gần 500 đề tài cấp Trường. Các đề tài khoa học các cấp của Trường tập trung vào lĩnh vực giáo dục từ xa, các dự án về đầu tư, ứng dụng CNTT trong đào tạo từ xa. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng, phục vụ tích cực cho giáo dục từ xa, triển khai các chuyên ngành đào tạo.

Ngoài ra, để cổ vũ phong trào học tập của sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo, Trường tổ chức các hội nghị nghiên cứu khoa học của sinh viên, liên tục nhiều năm với hàng trăm báo cáo khoa học có chất lượng.

Nghiên cứu khoa học của sinh viên được triển khai sâu rộng tại tất cả 11 khoa chuyên ngành. Hoạt động nàythể hiện sự nhiệt tình và năng lực nghiên cứu của sinh viên dưới sự hướng dẫn của các giảng viên.

Kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên trong giai đoạn 2011-2023: Đã có gần 2000 đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai trong đó có nhiều đề tài được giải cao như: Giải Nhất, Giải Nhì, Giải Ba Sinh viên nghiên cứu Khoa học toàn quốc - Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam; Giải thưởng sinh viên NCKH Euréka; Giải Nhì Cuộc thi sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp toàn quốc... Cùng với đó, sinh viên của Trường Đại học Mở Hà Nội cũng đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi chuyên ngành trong nước và quốc tế.

Cùng với việc tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, cán bộ, giảng viên của Trường cũng tích cực viết bài cho các tạp chí. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, giảng viên, sinh viên của Nhà trường đã đóng góp gần 1000 bài viết tại các tạp chí khoa học trong nước và hơn 200 bài viết trên các tạp chí khoa học, hội thảo quốc tế.

2.3. Hoạt động hợp tác quốc tế

Trường Đại học Mở Hà Nội quan tâm và chú trọng tới việc đẩy mạnh, mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm các trường đại học các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các trường đại học mở và đào tạo từ xa. Trường là thành viên của Hiệp hội các trường Đại học Mở Châu Á (AAOU) và có đại diện trong Hội đồng quản trị SEAMOLEC. Với sự tín nhiệm của tổ chức Hiệp hội các trường Đại học Mở Châu Á, Trường đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 24 năm 2010 và Hội nghị lần thứ 32 vào tháng 10 năm 2018.

Trường Đại học Mở Hà Nội đã phối hợp với với các trường bạn và Trung tâm Giáo dục từ xa trong khu vực tổ chức thành công nhiều Hội thảo, tập huấn về đào tạo từ xa như: Hội thảo quốc tế về “Nghiên cứu khoa học trong các trường đại học mở” liên tục từ năm 2007 đến nay, các khoá tập huấn với chủ đề “Đổi mới phương pháp giảng dạy”, chủ đề “Ứng dụngcông nghệ trong đào tạo từ xa”, “Xây dựng giáo trình, học liệu đào tạo từ xa ”, "Diễn đàn chính sách về xây dựng mô hình học tập suốt đời"...

Trong giai đoạn 2010-2023, Trường Đại học Mở Hà Nội tiếp tục tăng cường và phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức truyền thống như:

- SEAMEO SEAMOLEC: Trung tâm giáo dục từ xa thuộc Tổ chức Bộ Trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á;

- AAOU: Hiệp hội các trường Đại học Mở Châu Á (Asian Association of Open Universities);

- ICDE: Hội đồng quốc tế về giáo dục mở và từ xa (International Council for Open and Distance Education);

- OU5: Nhóm 5 trường Đại học mở Đông Nam Á (Đại học Mở Philippines, Đại học Mở Malaysia, Đại học Mở Terbuka Indonesia, Đại học Mở Sukhothai Thammathirat Thái Lan, Trường Đại học Mở Hà Nội).

Trường đã thực hiện nhiều Chương trình hợp tác đào tạo quốc tế với Viện Kỹ thuật Boxhill (Australia), Trường Đại học Công nghệ Quốc gia Nga (Mati) và một số trường đại học của Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Lào...

2.4. Công tác sinh viên và hoạt động phong trào

Tại Trường Đại học Mở Hà Nội, công tác sinh viên luôn được Nhà trường chú trọng, đặc biệt trong việc đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học và các công tác hỗ trợ khác.

Cùng với việc đảm bảo chế độ chính sách cho sinh viên theo các quy định của Nhà nước, hàng năm, Trường Đại học Mở Hà Nội luôn kịp thời động viên, khuyến khích những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện tốt bằng việc xét và cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên đại học hệ chính quy. Hiện nay, việc xét và cấp học bổng được Nhà trường triển khai theo từng kỳ, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên phấn đấu học tập và rèn luyện. Năm học 2022-2023, Nhà trường trao gần 20 tỷ đồng học bổng cho các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc.

Công tác hỗ trợ sinh viên trong việc thực tập và định hướng nghề nghiệp được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Các buổi định hướng nghề nghiệp có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp lớn trong từng lĩnh vực.

Hàng năm, Phòng CTCT&SV phối hợp với Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên tổ chức Ngày hội tư vấn và giới thiệu việc làm, thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham gia. Trung bình, mỗi Ngày hội có gần 1000 sinh viên được tư vấn, giới thiệu việc làm bởi các chuyên gia đến từ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Học tập tại Trường Đại học Mở Hà Nội, sinh viên được rèn luyện để trở thành những công dân giỏi chuyên môn, vững thực hành, thành thạo kỹ năng, sẵn sàng phụng sự tổ quốc. Ngoài các giờ học trên giảng đường, sinh viên được tham gia vào rất nhiều các hoạt động ngoại khóa của hơn 50 câu lạc bộ chuyên ngành và câu lạc bộ sở thích.

Các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao cho sinh viên như: Giải bóng đá sinh viên, Ngày hội tuổi trẻ HOU, Chào Tân sinh viên Fly Up, Hiến máu nhân đạo, Mùa hè sinh viên tình nguyện được đông đảo đoàn viên, sinh viên tích cực tham gia.

Tất cả tập trung để các bạn sinh viên trưởng thành hơn trong nhận thức, chín chắn hơn trong suy nghĩ, thành thạo hơn trong kỹ năng nghiệp vụ và có điều kiện để nâng cao thể chất và đời sống tinh thần. Qua các hoạt động ngoại khóa, các phong trào sinh viên đã có rất nhiều sinh viên trưởng thành, tốt nghiệp ra trường và nắm giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Tư vấn tuyển sinh