Ngày 23 tháng 11 năm 2017, Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức Chương trình tọa đàm về Cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền IoT. Tham dự chương trình có Tiến sĩ Trần Lương Sơn –Tổng GĐ VietSoftware; ông Lương Ngọc Tuấn – Giám đốc Công ty CP Hệ thống Việt VSYS cùng các nhà khoa học đến từ các cơ sở giáo dục và các đơn vị, doanh nghiệp. Về phía Viện Đại học Mở Hà Nội có Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Viện trưởng; Tiến sĩ Dương Thăng Long – Phó Viện trưởng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, các cán bộ, giảng viên và các sinh viên tham dự.
Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Viện trưởng phát biểu khai mạc chương trình tọa đàm
Trong lời phát biểu, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Viện trưởng gửi lời chào mừng của Lãnh đạo Nhà trường tới các Nhà khoa học, các đơn vị doanh nghiệp đã quan tâm tham dự Tọa đàm do Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức. Viện trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tầm ảnh hưởng rộng lớn đối với các lĩnh vực trong đời sống xã hội trong đó có giáo dục. Đây là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức của các đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nói chung và Viện Đại học Mở Hà Nội nói riêng. Tiến sĩ Trương Tiến Tùng bày tỏ hy vọng và tin tưởng, cán bộ, giảng viên, sinh viên của Nhà trường sẽ tích cực trau dồi kiến thức và kỹ năng nhiều hơn nữa để có thể thích ứng và phát triển được trong bối cảnh nhu cầu ngày một lớn về nguồn nhân lực công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Lương Ngọc Tuấn – Giám đốc Công ty CP Hệ thống Việt VSYS chia sẻ tại Tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, cán bộ, giảng viên, sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội đã nghe ông Lương Ngọc Tuấn – Giám đốc Công ty CP Hệ thống Việt VSYS đã trình bày về ngôn ngữ V-Logics và hệ thống phần cứng điều khiển nhúng của VSYS và giới thiệu 1 số sản phẩm đã ứng dụng thành công trong thực tế trong lĩnh vực công nghiệp, bán lẻ, y tế và nông nghiệp. Với phương pháp tiếp cận hoàn toàn mới, ngôn ngữ V-Logic và hệ thống phần cứng VSYS tạo ra 1 công cụ cho phép lập trình bằng ngôn ngữ đơn giản nhất có thể từ ngôn ngữ tự nhiên của con người thay vì sử dụng các ngôn ngữ lập trình phức tạp đang được sử dụng trong lĩnh vực IoT trên thế giới.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Nhờ việc lập trình đơn giản và dễ dàng hơn, V-Logic làm giảm đáng kể rào cản áp dụng IoT và tự động hóa trong mỗi chuyên ngành, qua đó không chỉ giúp các chuyên gia chuyên ngành có thể dễ dàng đóng gói và thương mại hóa know-hows của mình mà còn giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành và tham gia thị trường dễ dàng hơn vì không còn phụ thuộc quá nhiều vào các kỹ sư IT, kỹ sư Tự động hóa hay kỹ sư Lập trình.
Tiến sĩ Trần Lương Sơn –Tổng GĐ VietSoftware chia sẻ về công nghệ và vấn đề khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay
Nhờ việc lập trình đơn giản và dễ dàng hơn, V-Logic làm giảm đáng kể rào cản áp dụng IoT và tự động hóa trong mỗi chuyên ngành, qua đó không chỉ giúp các chuyên gia chuyên ngành có thể dễ dàng đóng gói và thương mại hóa know-hows của mình mà còn giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành và tham gia thị trường dễ dàng hơn vì không còn phụ thuộc quá nhiều vào các kỹ sư IT, kỹ sư Tự động hóa hay kỹ sư Lập trình.
Tại phiên thảo luận, cán bộ, giảng viên, sinh viên và các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp về việc kết hợp giữa học và thực hành của sinh viên các ngành công nghệ để có thể tạo ra các sản phẩm sáng tạo.
Tiến sĩ Dương Thăng Long – Phó Viện trưởng điều hành phiên thảo luận
Tiến sĩ Dương Thăng Long, chủ tọa phiên thảo luận đã thay mặt Lãnh đạo Nhà trường cảm ơn sự hợp tác của các công ty như VSYS, Vietsofware, Five9 và các nhà khoa học đã tham gia tọa đàm và có phần trình bày cũng như trao đổi hết sức bổ ích và có ý nghĩa với cán bộ, giảng viên và sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội. Phó Viện trưởng hy vọng trong thời gian sắp tới, Nhà trường sẽ tiếp tục nhận được sự cộng tác của các đơn vị doanh nghiệp và các nhà khoa học trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của Viện Đại học Mở Hà Nội.
(Nguồn: Phòng NCKH&HTQT – Ảnh: Anh Hoàn)