Ngày 19 và 20/4/2018, Viện Đại học Mở Hà Nội (HOU) phối hợp cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) và Trung tâm Nghiên cứu Học tập suốt đời trực thuộc Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO CELLL) tổ chức Diễn đàn chính sách về xây dựng mô hình học tập suốt đời.
Diễn đàn được thực hiện với các mục tiêu chia sẻ những thực tiễn và chủ trương xây dựng thành phố học tập ở Việt Nam; Phân tích kinh nghiệm và tiêu chí đánh giá các thành phố học tập và các đơn vị học tập ở một số quốc gia trên thế giới làm cơ sở cho các khuyến nghị về chính sách xây dựng các thành phố học tập và các đơn vị học tập tại Việt Nam; Phân tích các đặc điểm chính của các thành phố học tập được Viện UNESCO về Học tập suốt đời (UILs) xác định làm nền tảng cho việc xây dựng mô hình thành phố học tập ở Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị về xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển các thành phố học tập đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Tham dự Diễn đàn có GS.TS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam; Tiến sĩ Phan Văn Long – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương; Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Tiến sĩ Nguyễn Công Hinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (GDTX), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT; Bà Vũ Lan Chi – Phó Giám đốc Trung tâm SEAMEO CELLL Việt Nam cùng các đại biểu đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Hội Khuyến học Việt Nam, các Sở Giáo dục và Đào tạo; các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên các tỉnh, thành phố; các trường đại học và viện nghiên cứu.
Về phía đại biểu quốc tế có bà Rika Yorozu – đại diện của Viện Học tập suốt đời của UNESCO; Ông Toshiyuki Matsumoto – đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; Bà Vanna Peou – Đại diện tổ chức DVV International, các đại biểu là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường đại học mở các nước Đông Nam Á.
Về phía Viện Đại học Mở Hà Nội có PGS. TS. Nguyễn Mai Hương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Viện trưởng cùng Ban Giám hiệu, đại diện các cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong Nhà trường.
Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu Khai mạc Diễn đàn, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội bày tỏ niềm vinh dự của Nhà trường khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng, giao đăng cai sự kiện này. Viện trưởng cho viết, việc tổ chức Diễn đàn này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đề xuất cho Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành ban hành những cơ chế, chính sách, quyết sách xây dựng và phát triển thành phố học tập nói riêng cũng như xã hội học tập nói chung ở Việt Nam. Tất cả các ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự Diễn đàn sẽ được tổng hợp và chuyển đến các bên liên quan, những người có trách nhiệm. Tiến sĩ Trương Tiến Tùng hy vọng và tin tưởng, những ý kiến tại Diễn đàn sẽ đóng góp tích cực và có trách nhiệm đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước nhà.
Ông Toshiyuki Matsumoto đại diện Viện học tập suốt đời của UNESCO và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phát biểu
Thay mặt Viện học tập suốt đời của UNESCO và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, ông Toshiyuki Matsumoto chúc mừng Bộ Giáo Dục và Đào tạo cùng Viện Đại học Mở Hà Nội đã tổ chức diễn đàn chính sách mang tính quốc gia về xây dựng mô hình học tập suốt đời. Diễn đàn sẽ thảo luận chủ trương và khả năng xây dựng các thành phố học tập trong khuôn khổ xây dựng một xã hội học tập. UNESCO rất vui mừng được là một đối tác trong sự kiện này vì nó liên quan đến việc điều phối giáo dục có chất lượng và học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Đó là mục tiêu phát triển bền vững thứ 4 về giáo dục trong Chương trình nghị sự năm 2030 nhằm phát triển bền vững. Ông Toshiyuki Matsumoto nhấn mạnh, Ban tổ chức diễn đàn là Viện Đại học Mở Hà Nội, điều này thể hiện vai trò đầy hứa hẹn của các trường đại học mở trong việc đóng góp xây dựng một xã hội học tập. Giáo dục Mở và đào tạo từ xa là những lĩnh vực phát triển nhanh chóng của học tập suốt đời.
GS.TS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cùng điều hành Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, GS.TS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam khẳng định, mô hình học tập suốt đời là mô hình học tập mở – mở ra mọi nội dung học tập đáp ứng nhu cầu học của người dân theo 4 trụ cột giáo dục mà Jacques Delos đề ra trong Báo cáo “Học tập – một kho báu tiềm ẩn” trình Hội đồng Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người; mở ra các phương pháp học và tự học phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lý lứa tuổi và trình độ học vấn mỗi người; mở ra các môi trường giáo dục: giáo dục học đường, giáo dục xã hội, giáo dục gia đình. Hệ thống mở này là cơ sở để thực hiện khẩu hiệu “Ai cũng được học hành”, “Học tập trong suốt cuộc đời”, “Học tập vì sự phát triển bền vững của xã hội”.
Tiến sĩ Nguyễn Công Hinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên , Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu
Trong 3 buổi thảo luận, các đại biểu tham dự Diễn đàn được lắng nghe 9 tham luận đến từ 5 diễn giả quốc tế và 4 diễn giả trong nước, rất nhiều các ý kiến chia sẻ, thảo luận đến từ 130 đại biểu. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Bối cảnh, các chủ trương, vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội và của cộng đồng đối với việc xây dựng thành phố học tập ở Việt Nam và các kinh nghiệm xây dựng thành phố học tập của các quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippin, Campuchia. Từ đó đưa ra những đề xuất để xây dựng và phát triển học tập suốt đời phù hợp với bối cảnh, tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam.
Viện Đại học Mở Hà Nội ứng dụng Công nghệ đào tạo trực tuyến kết nối tới các điểm cầu Hàn Quốc và Philippin cùng thảo luận các vấn đề tại Diễn đàn
Kết thúc 3 buổi thảo luận, các đại biểu tham gia Diễn đàn thống nhất đưa ra các kiến nghị:
Một là: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa ra chương trình xây dựng mô hình thành phố học tập và mô hình công dân học tập, cùng với khung tiêu chí xây dựng thành phố học tập ở Việt Nam.
Hai là: các thành phố cần chủ động xây dựng chương trình hành động xây dựng thành phố học tập và xây dựng bộ tiêu chí phù hợp với địa phương dựa trên bộ tiêu chí của UNESCO và khung tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ba là: các cơ Sở Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò là cầu nối, tạo môi trường và nội dung đào tạo, mở các cơ hội học tập cho các đối tượng có nhu cầu học tập khác nhau.
Bốn là: các tổ chức chính trị – xã hội cần có sự hưởng ứng tích cực các chương trình đó dưới những hình thức khác nhau như tuyên truyền, vận động, thúc đẩy để thực thi những tiêu chí đánh giá các mô hình.
Năm là: các dòng họ, gia đình và cá nhân cần chủ động tham gia vào hoạt động học tập suốt đời thông qua việc xây dựng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập để phát triển những năng lực cá nhân, kiến tạo một xã hội đồng thuận, đoàn kết, bình đẳng, tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng văn hóa, phát triển xã hội bền vững.
Một số hình ảnh tại Diễn đàn:
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên , Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi tại Diễn đàn
PGS.TS. Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng Trường Viện Đại học Mở Hà Nội trình bày tham luận
Các đại biểu trình bày tham luận và tham gia đóng góp ý kiến tại diễn đàn: