Cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin về Hội thảo:
——————————————————-
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 của Việt Nam. Nguồn nhân lực du lịch ngày càng khẳng định vai trò quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó có sự nghiệp phát triển du lịch của đất nước, của khu vực và thế giới, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày theo hướng toàn diện.
Ngày 17/10, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh diễn ra Hội thảo Khoa học “Liên kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao”. Hội thảo thu hút sự tham gia của đại diện Lãnh đạo Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Câu lạc bộ Khối đào tạo Du lịch cùng gần 100 nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo và Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của cả nước.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Chủ nhiệm CLB Khối đào tạo du lịch, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội
cùng chủ trì Hội thảo
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục Đại học và Trung cấp chuyên nghiệp; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm giúp cho hoạt động của các trường. Theo thống kê của Ngành Du lịch, cả nước có khoảng 156 cơ sở tham gia đào tạo chuyên ngành du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và đào tạo ngắn hạn, thực hiện theo các loại hình sở hữu có cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập, cơ sở đào tạo đầu tư trong nước và các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Hình thức tổ chức đào tạo chính quy và không chính quy, các hệ ngắn hạn (cấp chứng chỉ) và dài hạn (cấp bằng).
TS. Trần Trung Vỹ – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long phát biểu chào mừng đại biểu tham dự Hội thảo
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Chủ nhiệm CLB Khối đào tạo du lịch, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: Trong những năm gần đây, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch ở nước ta đã có những kết quả bước đầu và phần nào đã đáp ứng được những yêu cầu mà xã hội đang đòi hỏi. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập, các cơ sở đào tạo du lịch đã và đang chủ động xã hội hóa trong công tác giảng dạy bằng việc tăng cường liên kết với các doanh nghiệp du lịch. Liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tạo ra nguồn lực mới cho cả cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, đồng thời phát huy được thế mạnh của nhau. Đặc biệt là trong bối cảnh Bộ Giáo dục & Đào tạo đang thực hiện cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội” thì vấn đề tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch càng trở nên cấp thiết.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung phát biểu đề dẫn tại Hội thảo
Riêng với Trường Đại học Mở Hà Nội, đây là cơ sở giáo dục đại học có kinh nghiệm và mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng Canada (ACCC), Hiệp hội Du lịch Châu Á-Thái Bình Dương (PATA), Hiệp hội đào tạo du lịch châu Á-Thái Bình Dương (APETIT), các khách sạn 5 sao trên địa bàn thành phố Hà Nội…Theo kết quả khảo sát năm 2018 và 2019, 100% sinh viên ngành Du lịch của Trường Đại học Mở Hà Nội có việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhiều sinh viên trưởng thành đã trở thành những cán bộ chủ chốt trong các doanh nghiệp; hầu hết sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành hướng dẫn đều được cấp thẻ để trở thành Hướng dẫn viên chuyên nghiệp trong các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế hàng đầu của Việt Nam. Vai trò Chủ nhiệm CLB Khối đào tạo du lịch phần nào thể hiện vai trò quan trọng và sự đóng góp tích cực của Ngành du lịch, Trường Đại học Mở Hà Nội.
Đại biểu tham dự hội thảo đồng ý kiến cho rằng nhìn chung, các trường hiện nay đang rất nỗ lực nhằm bắt kịp yêu cầu của xã hội và hội nhập, Với chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng từng bước được chuẩn hóa. Đã có những nội dung liên kết giữa cơ sở đào tạo của mình với các doanh nghiệp du lịch bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề trong mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch chưa được giải quyết ổn thỏa và chưa mang lại cho cả hai phía những kết quả thực sự mà mỗi bên muốn hướng tới.
Đại biểu trình bày tham luận và tham gia góp ý tại Hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tham góp các giải pháp tăng cường tính liên kết giữa các cơ sở đào tạo du lịch và doanh nghiệp như cần tuyên truyền sâu rộng từ cả hai đơn vị về công tác phối hợp, mục đích và lợi ích của việc phối hợp mang lại cho mỗi đơn vị; Nhà trường và doanh nghiệp du lịch cần phải cùng nhau thống nhất kế hoạch phối kết hợp từng nội dung cụ thể, rõ ràng minh bạch trong từng thời gian cụ thể; Làm rõ lợi ích đôi bên khi tham gia và mang lại lợi ích cho bên thứ 3 là gia đình người học, bản thân học sinh sinh viên, các cơ quan hưu quan, cộng đồng dân cư địa phương…;
Hội thảo tạo ra một diễn đàn trao đổi học thuật và kinh nghiệm thực tiễn trong việc đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nhằm xây dựng nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở đào tạo du lịch và giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong việc hợp tác và phối hợp đào tạo.
Một số hình ảnh của Hội thảo:
TS. Trịnh Đăng Thanh – PGĐ Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Thế Huệ – Phó CT Hiệp Hội Du lịch Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo
TS. Vũ Văn Viện – Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Hạ Long trình bày tham luận tại Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Chủ nhiệm CLB Khối đào tạo du lịch, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội
tặng quà lưu niệm cho Trường Đại học Hạ Long
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm