Đó là chủ đề tham luận của PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mở Hà Nội tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2020 “Tự chủ trong giáo dục đại học – từ chính sách đến thực tiễn”. Hội thảo được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng ngày 27/11 tại Nhà Quốc hội.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong giáo dục đại học (GDĐH), nhất là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được ban hành và có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2019. Trên cơ sở đó, đề xuất các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, tạo điều kiện cho GDĐH phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế của đất nước.
Hội thảo có sự tham gia của 250 đại biểu chính thức, bao gồm đại diện các cơ quan của Quốc hội; các bộ, ngành Trung ương; các đại biểu Quốc hội đang công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học; các tổ chức quốc tế; các nhà quản lý cơ sở giáo dục đại học; các chuyên gia, nhà khoa học..
PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mở Hà Nội cùng các diễn giả
PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng Trường là một trong năm diễn giả của phiên thảo luận số 2: Thể chế tự chủ trong giáo dục đại học. Trong phần trình bày, PGS.TS Nguyễn Mai Hương nhấn mạnh, điều kiện hoàn thiện cơ chế quản trị của Hội đồng trường trong thực tiễn trước tiên là thống nhất nhận thức và hành động khi quản trị đại học tự chủ. Các tổ chức, cá nhân trong nhà trường cần nhận thức rất rõ tư duy về tự chủ, đó là tư duy phát triển, tư duy đổi mới sáng tạo, giải phóng năng lực nội sinh và tìm ra con đường phát triển phù hợp nhất với điều kiện thực tế của nhà trường. Tuy nhiên, sự đổi mới và sáng tạo này được quy định bằng hành lang pháp lý với các kỷ cương cần được tuân thủ, chịu sự giám sát nghiêm ngặt của các bên liên quan và trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch.
Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mở Hà Nội trình bày tham luận. Ảnh: Dân trí
Trước đông đảo đại biểu, PGS.TS Nguyễn Mai Hương cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tổ chức hiệu quả hoạt động của Hội đồng Trường Đại học Mở Hà Nội. Đây là một trong những hội đồng trường đầu tiên đi vào hoạt động hiệu quả từ năm 2015 và được nhiều trường đại học tìm hiểu, học tập kinh nghiệm.
Hội đồng trường Trường Đại học Mở Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 được công nhận theo Quyết định số 2958/QĐ-BGDĐT ngày 08/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm 19 thành viên: (1) Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; (2) Các thành viên đương nhiên: Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn và Đại diện BCH Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; (3) Đại diện Giảng viên; (4) Đại diện Viên chức; (5) Thành viên ngoài là các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động.
Xem thêm về Hội đồng Trường Đại học Mở Hà Nội
<Trung tâm Thông tin và Truyền thông>