Nhằm tôn vinh những đóng góp quý báu của tổ chức, cá nhân đối với văn hóa đọc, Giải thưởng phát triển văn hóa đọc do Bộ VHTTDL tổ chức hằng năm nhằm động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có những thành tích nổi bật, cách làm hay, cũng như những đóng góp tích cực đối với hoạt động phát triển văn hóa đọc tại địa phương, vùng miền và cộng đồng, từ đó lan tỏa các giá trị tốt đẹp thông qua hoạt động đọc đến với cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu, giải trí, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Phó Giám đốc Thư viện Trường (thứ ba từ phải sang)
đại diện Thư viện nhận Giải thưởng phát triển văn hóa đọc năm 2021
Phát biểu tại Lễ tổng kết được tổ chức sáng 02/12/2021 tại Hà Nội, ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VHTTDL cho biết, kể từ khi Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đã được triển khai với sự chung tay góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội nhằm chấn hưng văn hóa đọc của nước nhà.
Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội vinh dự là 1 trong 19 tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc trong toàn quốc, phát huy hiệu quả, vốn tài liệu thư viện, tổ chức các dịch vụ phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên, học viên, giảng viên nói riêng và người dân nói chung với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong bối cảnh, tình hình dịch bệnh như: phục vụ thông qua không gian mạng, tổ chức ngày hội sách, thi xếp sách nghệ thuật, cuộc thi Sinh viên với văn hóa đọc thời đại 4.0, quyên góp Tủ sách HOU,… qua đó bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên; góp phần duy trì và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Lãnh đạo Nhà trường cắt băng khánh thành “Tủ sách HOU”
tại chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, tháng 04/2021
Giải thưởng phát triển văn hóa đọc 2021 được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt khi cả nước chung tay phòng chống đại dịch COVID-19, đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, cùng những đổi mới trong hoạt động phát triển văn hóa đọc của các tổ chức cá nhân nhằm xây dựng môi trường đọc, khuyến khích hoạt động đọc, tạo điều kiện để các chủ thể có thể tiếp cận và sáng tạo thông qua hoạt động đọc trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh. Điều này thể hiện sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo, không ngừng đổi mới, và sự tâm huyết của các tổ chức, cá nhân đối với sự nghiệp phát triển văn hóa đọc.
Bước sang năm 2022 và những năm tiếp theo, thực hiện quy định Luật Thư viện và Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4-11-2021 về tổ chức ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, dự kiến Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ có nhiều thay đổi trong việc tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc, qua đó kịp thời tôn vinh, cũng như tạo động lực để cổ vũ, khích lệ các tổ chức, cá nhân trong xã hội tiếp tục cùng chung tay phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.