TÊN NGÀNH: CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT ĐIỆN TỬ – VIỄN THÔNG
MÃ NGÀNH: 7510302
KHOA ĐIỆN – ĐIỆN TỬ
Website: http://eef.hou.edu.vn/
Tư vấn, giải đáp thắc mắc tại đây
Cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số với các xu hướng công nghệ mới như công nghệ kết nối vạn vật (IoT), robot tự động hóa, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây đi kèm trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những cơ hội phát triển lớn. Sự phát triển của các công nghệ này phải dựa trên nền tảng của ngành công nghiệp điện tử viễn thông, ngành đã trở thành trung gian và đóng vai trò trung tâm của nhiều ngành mũi nhọn như cơ điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính…
Với doanh thu hơn 120 tỷ USD trong năm 2020, ngành công nghiệp công nghệ số này đang có khoảng 58.000 doanh nghiệp hoạt động và giải quyết việc làm cho hơn một triệu lao động. Lĩnh vực điện tử viễn thông, công nghệ thông tin trong những năm qua có mức tăng trưởng cao, ước khoảng 10%/năm.
Trong bối cảnh xu hướng hội tụ công nghệ và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, các doanh nghiệp công nghệ điện tử nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam hàng tỷ USD trong những năm gần đây kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ khác tham gia. Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực là rất lớn và các doanh nghiệp rất quan tâm tới vấn đề số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực điện tử viễn thông ở Việt Nam.
Một buổi thuyết trình đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Ngành Công nghệ Kỹ thuật điện tử – viễn thông
Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Mở Hà Nội đã cung cấp cho thị trường lao động hàng nghìn kỹ sư được đào tạo bài bản, có năng lực từ năm 2002 tới nay. Nhiều cựu sinh viên hiện đang công tác tại các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, Mobiphone, FPT, Samsung, Canon, Intel…v…v..; nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như trưởng các bộ phận kỹ thuật của các công ty lớn hoặc tham gia học tập ở những bậc học cao hơn. Hàng năm, trong các buổi họp bàn, tọa đàm giữa Khoa và các công ty đối tác, hầu hết nhà tuyển dụng đều đánh giá cao tính thực tế của chương trình đào tạo, năng lực chuyên môn và thái độ làm việc của sinh viên.
Trong nhiều năm năm qua, trên 90% sinh viên của Khoa ra trường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Mức lương khởi điểm trong lĩnh vực này sau khi vượt qua kì thi tuyển dụng trung bình đạt khoảng 12 triệu đồng. Nhiều sinh viên có việc làm và làm đúng ngành nghề khi mới học năm thứ 3 đại học.
Vị trí và địa chỉ công tác sau khi tốt nghiệp:
- Các công ty công nghệ, viễn thông, truyền thông đa phương tiện, công ty sản xuất, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện tử, các nhà cung cấp dịch vụ mạng, các công ty kinh doanh các dịch vụ điện tử, viễn thông như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông quân đội (VIETTEL), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Trung tâm quản lý, bay, các cảng hàng không, sân bay), Bệnh viện (phòng kỹ thuật), Ngân hàng (Trung tâm thẻ, Trung tâm CNTT).
- Làm việc tại phòng Kỹ thuật các đài phát thanh/truyền hình (VOV / VTV, VTC), hay các phòng chức năng: Bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử..v..vv.. trực thuộc Sở Thông tin và truyền thông, Bưu điện ở các Tỉnh, Thành phố trong cả nước.
- Làm việc tại các công ty sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin: Nhà máy Samsung, Nokia, Intel…
- Làm việc tại các công ty sản xuất phần mềm: FPT, Vinagame, CMC…
- Làm việc tại các đơn vị, cơ quan hành chính sự nghiệp có yêu cầu chuyên môn về điện tử, máy tính và viễn thông: Bộ thông tin và truyền thông, Bộ Khoa học và công nghệ…
- Làm việc tại các tổ chức giáo dục và đào tạo: đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp.
- Làm việc tại các viện, trung tâm nghiên cứu của các Bộ, Ngành.
Hành trình chinh phục những đỉnh cao khoa học kỹ thuật là con đường lắm gian nan, vất vả nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Hãy đến Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Mở Hà Nội để trải nghiệm những kiến thức bổ ích cùng nhiều hoạt động hấp dẫn.