TÊN NGÀNH: CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT ĐIỀU KHIỂN VÀ TỰ ĐỘNG HÓA
MÃ NGÀNH: 7510303
KHOA ĐIỆN – ĐIỆN TỬ
Website: http://eef.hou.edu.vn/
Tư vấn, giải đáp thắc mắc tại đây
Điều khiển và Tự động hóa là một ngành đặc biệt vì tính “xuyên ngành” giữa cơ khí hiện đại, điện tử, kỹ thuật điều khiển, kỹ thuật máy tính, lập trình…để thiết kế, vận hành, điều khiển,…dây chuyền máy móc mà không cần đến sự tham gia trực tiếp của con người. Không chỉ gắn liền với máy móc trong các xí nghiệp, điều khiển tự động hóa còn hiện diện ngay trên những thiết bị dân dụng quen thuộc. Vì thế có thể thấy sự hiện diện của ngành trong mọi lĩnh vực, ngành nghề khác trong cuộc sống, trong xã hội.
Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, trái với lo ngại công nghệ sẽ chiếm mất việc làm của người lao động, ngành điều khiển tự động hóa lại càng có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Thực tế, khi các ngành công nghiệp càng phát triển, việc đầu tư sử dụng các dây chuyền máy móc, rô-bốt tự động để ứng dụng vào quá trình sản xuất sẽ đòi hỏi nhu cầu sử dụng lao động đáp ứng được sự vận hành của máy móc hiện đại càng lớn. Đây cũng chính là cơ hội cho nhân lực điều khiển tự động hóa mà nhiều chuyên gia đã nhận định.
Lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn là ngành chế biến, chế tạo. Đồng thời, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trong những năm qua cũng liên tục tăng, với xu hướng ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn đến Việt Nam, kéo theo hệ sinh thái chuỗi các doanh nghiệp cung ứng. Hầu hết các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có định hướng tăng cường ứng dụng công nghệ mới và tự động hóa để phục vụ cho mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây là thị trường cho các nhân lực trong ngành điều khiển tự động hóa.
Bên cạnh đó, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, việc doanh nghiệp đầu tư máy móc công nghệ hiện đại để giảm nhân công truyền thống, thủ công cũng là điều tất yếu để bảo vệ hệ thống sản xuất của mình. Điều này càng đòi hỏi nguồn nhân lực trình độ cao tham gia vào hệ thống dây chuyền máy móc của nhà máy.
Nhận thức được nhu cầu của xã hội và thực hiện theo chiến lược phát triển 2017-2026 tầm nhìn 2035, kể từ năm học 2018-2019, Trường Đại học Mở Hà Nội đã quyết định mở ngành Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa và giao cho Khoa Điện – Điện tử là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý.
Theo các khảo sát gần đây, mức lương khởi điểm khi ra trường của một kỹ sư tự động hóa khi vượt qua vòng thi tuyển dụng trung bình đạt 15 triệu/ tháng.
Sinh viên đang hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu khoa học
Vị trí và địa chỉ công tác sau khi tốt nghiệp:
Sinh viên tốt nghiệp ngành Điều khiển và Tự động hóa có thể ứng tuyển các vị trí việc làm sau đây:
- Kỹ sư thiết kế, vận hành, bảo trì kỹ thuật ở các dây chuyền sản xuất hiện đại trong công nghiệp như dây chuyền lắp ráp ô tô, tự động hóa phục vụ hàng không, nhà máy điện, các nhà máy chế biến thực phẩm, dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng, dây chuyền sản xuất giấy…
- Kỹ sư hệ thống máy công nghiệp; sửa chữa, vận hành thang máy; lập trình điều khiển trong các thiết bị, hệ thống tự động hóa.
- Chuyên viên tư vấn, thiết kế, phân tích, mô phỏng hoặc cán bộ quản lý kỹ thuật tại các nhà máy, tập đoàn, công ty thương mại dịch vụ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
- Chuyên viên nghiên cứu, phát triển các hệ thống tự động hóa, hệ thống nhúng.
- Làm việc tại các đơn vị, cơ quan hành chính sự nghiệp có yêu cầu chuyên môn về điều khiển, tự động hóa: Bộ thông tin và truyền thông, Bộ Khoa học và công nghệ…
- Làm việc tại các tổ chức giáo dục và đào tạo: đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp.
- Làm việc tại các viện, trung tâm nghiên cứu của các Bộ, Ngành.
Hành trình chinh phục những đỉnh cao khoa học kỹ thuật là con đường lắm gian nan, vất vả nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Hãy đến Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Mở Hà Nội để trải nghiệm những kiến thức bổ ích cùng nhiều hoạt động hấp dẫn.