Những ngày cuối tháng 9/2022, Trường Đại học Mở Hà Nội tiếp tục có nhiều hoạt động đẩy mạnh hợp tác quốc tế, qua đó mở rộng cơ hội học tập và giao lưu quốc tế cho cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Tham dự Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục toàn cầu (New York, Hoa Kỳ), PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu Trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: Mục tiêu của Hội nghị là huy động ý chí chính trị và cam kết cho giáo dục và 2 mục tiêu cụ thể: Tăng cường và đẩy nhanh việc thực hiện các hiệp định đa phương hiện có – đặc biệt là Chương trình nghị sự 2030 và thúc đẩy hành động ở cấp quốc gia và toàn cầu, đồng thời hỗ trợ thiết lập các lĩnh vực trọng tâm với các nguồn lực từ Ban chỉ đạo cấp cao Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4). Đoàn Việt Nam đã có đóng góp quan trọng tại Phiên thảo luận với chủ đề "Chuyển đổi giáo dục để chuyển đổi thế giới: Học tập để chung sống bền vững".
PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Nhà trường trao quà lưu niệm tới ông Andrew Hamilton, Hiệu trưởng Trường Đại học New York
Nhân dịp này, với mong muốn tăng cường hợp tác quốc tế, PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu Trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cùng đoàn công tác đã đã đến thăm và làm việc với trường Đại học New York, Đại học Colombia, Viện Khảo thí Hoa Kỳ, tổ chức USAID, trường Đại học Arizona State (ASU), tập đoàn Intel, Microsoft, Certiport, Peace Corps, Britanica Education, Hiệp hội CHEA, Tổ chức STEM toàn cầu, trường phổ thông Woodrow Wilson và Bảo tàng National Graphic…
PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung Hiệu trưởng nhà trường đã trao quà lưu niệm tới Ông Amit Sevak, Chủ tịch của Viện Khảo thí Hòa Kỳ
Đại diện Nhà trường, PGS TS Nguyễn Thị Nhung đã trao đổi về mô hình phát triển, khả năng hợp tác trong nghiên cứu khoa học, phát triển chương trình liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên và sinh viên và các chính sách học bổng cho sinh viên Việt Nam, thúc đẩy hợp tác trong chuyển đổi số, hướng tới Đại học số; Hợp tác về chính sách giáo dục quốc gia và chuyển đổi ngân sách, hoạch định và xây dựng chiến lược quốc gia thông qua trung tâm mô phỏng ra quyết định; Chuyển đổi số trong giáo dục đại học; xây dựng tiếp cận quốc gia về giáo dục thông qua ứng dụng số đến chuyển đổi kinh tế và xã hội; hợp tác quốc tế và mô hình đầu tư thành công tại Việt Nam; chính sách đầu tư tại Việt Nam.
Phó Giám đốc USAID nhận thông điệp từ Trường Đại học Mở Hà Nội
Các hoạt động giao lưu quốc tế góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Mở Hà Nội và các trường Đại học, đơn vị khảo thí và công ty giáo dục tại các quốc gia trên thế giới. Hơn thế nữa, đây là cơ hội để trao đổi và học tập được nhiều kinh nghiệm về quản lý đào tạo, chuyển đổi số và khảo thí đảm bảo chất lượng.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm nhân dịp tham quan trường Đại học New York
Ngay sau chuyến công tác tại Hoa Kỳ, một đoàn công tác khác của Trường Đại học Mở Hà Nội do TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng làm trưởng đoàn đã sang Lào để tham dự triển lãm giáo dục đại học Việt Nam.
TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Nhà trường và GS Hos. Pol. Udom Phonkhampeng – Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Lào trao MOU
Gian hàng triển lãm trưng bày của trường Trường Đại học Mở Hà Nội thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn học sinh người Lào tới tham quan, chụp ảnh và tìm hiểu
Trong thời gian qua Việt Nam luôn là điểm đến ưa thích của rất nhiều lưu học sinh Lào. Nhiều thế hệ lưu học sinh Lào sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam đã trở về nước công tác, nắm giữ những trọng trách trong các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp của Lào, đóng góp đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Lào. Hiện có khoảng 14.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam tại gần 160 cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước, tại tất cả các chuyên ngành mà Việt Nam có thể đào tạo với các chương trình đào tạo đa dạng như học ngắn hạn, học tiếng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, thực tập chuyên ngành…Tại Trường Đại học Mở Hà Nội, cũng đã có nhiều lượt sinh viên Lào tham gia các khóa đào tạo trực tuyến trong những năm vừa qua.
Phó Hiệu trưởng trường ĐH Souphanouvong – Lào trực tiếp trải nghiệm và tìm hiểu về phương pháp học trực tuyến tại Trường Đại học Mở Hà Nội
Gian hàng triển lãm trưng bày của Trường Đại học Mở Hà Nội với các tài liệu truyền thông được in ấn bằng 3 thứ tiếng: Việt- Anh – Lào nhằm giới thiệu tới học sinh, sinh viên và người dân Lào về tiềm năng, thế mạnh trong từng lĩnh vực đào tạo, chất lượng đào tạo; đặc biệt là những kinh nghiệm của cơ sở giáo dục tiên phong trong đào tạo trực tuyến tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: Đây là cơ hội để chúng tôi tìm hiểu, giao lưu với các trường đại học ở Lào, cũng như tìm hiểu thêm các nhu cầu về ngành học ở Việt Nam mà sinh viên Lào quan tâm. Mặc dù đây là lần đầu tiên tham gia diễn đàn này, tuy nhiên Trường Đại học Mở Hà Nội đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của đông đảo phụ huynh và học sinh Lào với các ngành đào tạo của Trường.
Các bạn học sinh người Lào tới tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu về Trường Đại học Mở Hà Nội và nhận những món quà nhỏ – sản phẩm thủ công đặc trưng của đất nước Việt Nam
Tham dự triển lãm, đoàn đại biểu trường Trường Đại học Mở Hà Nội cũng đã gặp gỡ, bàn kế hoạch hợp tác và tiến hành ký biên bản ghi nhớ với một số cơ sở đào tạo của Lào như: Trường Đại học Quốc gia Lào, Trường Đại học Souphanouvong…nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực; các nhà nghiên cứu khoa học; nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, tạo dựng nên những thành quả tốt đẹp góp phần thắt chặt tình đoàn kết cũng như mối quan hệ đặc biệt của hai quốc gia.
Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Souphanouvong
Hợp tác chuyên môn chủ yếu để xây dựng chương trình học trực tuyến. Sinh viên tốt nghiệp được Trường Đại học Mở Hà Nội cấp bằng cử nhân; đồng thời hợp tác chia sẻ cơ sở hạ tầng công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc tổ chức đào tạo trực tuyến; Hợp tác thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ; Hợp tác tổ chức các dự án trao đổi giảng viên, sinh viên và giao lưu văn hoá.