21/12/2022 Quản trị viên Tin tức - Sự kiện Lượt xem: 1080 Ngày 21/12, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Toạ đàm góp ý dự thảo quy định mở ngành và xây dựng, đánh giá, cập nhật chương trình đào tạo dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự chương trình có TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban soạn thảo; TS Trần Thị Lan Thu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị và các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý. TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban soạn thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của buổi Toạ đàm Phát biểu tại chương trình, TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban soạn thảo đánh giá cao công tác tổ chức và sự tham gia đông đủ của các chuyên gia, các nhà khoa học và các cán bộ, giảng viên đã dành thời gian, tâm huyết đến tham dự Toạ đàm. Đồng thời cho biết: Việc tiếp tục xây dựng quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo đại học phù hợp và khả thi trong xu thế hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội là việc làm rất cần thiết. “Thông qua Toạ đàm, Ban soạn thảo mong muốn tiếp nhận những ý kiến tư vấn, trao đổi, góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học về đào tạo để Nhà trường tiếp tục hoàn thiện dự thảo quy định mở ngành, cập nhật chương trình đào tạo theo chiến lược phát triển, phù hợp với điều kiện của Nhà trường, qua đó đáp ứng nhu cầu của xã hội trong thời gian tới”, TS Dương Thăng Long nhấn mạnh. TS Trần Thị Lan Thu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo trình bày báo cáo tại Toạ đàm Tại chương trình, TS Trần Thị Lan Thu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo đã trình bày báo cáo Khung cơ cấu nội dung quy định mở ngành và xây dựng, đánh giá, cập nhật chương trình đào tạo. Theo đó, quy định được áp dụng đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan đến công tác xây dựng, thẩm định, ban hành, cải tiến chương trình đào tạo của Trường. Dự thảo Quy định bao gồm 26 điều thuộc 06 chương: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Mục tiêu của chương trình đào tạo; Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo; Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo; Cơ cấu khung các chương trình đào tạo ở các trình độ; Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo; Phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập; Điều kiện thực hiện chương trình đào tạo; Tổ chức xây dựng chương trình đào tạo; Hồ sơ của chương trình đào tạo; Trình tự, thủ tục xây dựng chương trình đào tạo; Thẩm định chương trình đào tạo; Ban hành và thực hiện chương trình đào tạo; Đánh giá, cải tiến chất lượng chương trình đào tạo; Tổ chức rà soát, đánh giá chương trình đào tạo; Tổ chức cập nhật, cải tiến chương trình đào tạo; Trình tự, thủ tục rà soát cập nhật đề cương chi tiết học phần; Điều kiện mở ngành; Tổ chức xây dựng và đề xuất chủ trương mở ngành; Tổ chức xây dựng đề án mở ngành; Thẩm định và phê duyệt đề án mở ngành; Đình chỉ và duy trì hoạt động của ngành đào tạo; Trách nhiệm tổ chức thực hiện; Chế độ báo cáo và công khai; Điều khoản thi hành. Các đại biểu đóng góp ý kiến trực tiếp tại Toạ đàm Tại chương trình, các đại biểu đã cùng nhau phân tích, chia sẻ các ý kiến có giá trị chuyên sâu xoay quanh công tác mở ngành đào tạo đại học theo quy định và cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với đặc điểm tình hình của Nhà trường, qua đó đề xuất một số ngành phù hợp để Nhà trường có thể cân nhắc lựa chọn, đề xuất mở trong giai đoạn tiếp theo. Hình ảnh các đại biểu cùng nhau thảo luận và đóng góp ý kiến qua hình thức trực tuyến Tổng kết Tọa đàm, TS Trần Thị Lan Thu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp có giá trị khoa học, có sự đánh giá sâu sắc và gợi mở nhiều phương án hữu ích trong công tác mở ngành đào tạo cũng như định hướng xây dựng và cập nhật chương trình đào tạo của các chuyên gia, các nhà khoa học. Đồng thời mong muốn, các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến, trên cơ sở đó giúp Ban soạn thảo tạo bổ sung, hoàn thiện nội dung dự thảo quy định mở ngành và cập nhật chương trình đào tạo nhằm đảm bảo sự thành công về chất lượng và đầu ra của các mã ngành mà Nhà trường sẽ lựa chọn trong thời gian tới. Print Share Tweet Pin