Ngày 27/2, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội nghị Hướng dẫn Quy định tổ chức sản xuất và tiêu chuẩn học liệu điện tử. Tham dự chương trình có TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng; PGS TS Phạm Thị Tâm – Trưởng phòng Quản lý khoa học và đối ngoại; TS Đinh Tuấn Long – Trưởng khoa Công nghệ thông tin; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị đào tạo và tổ chức đào tạo, các trung tâm có tổ chức sản xuất học liệu điện tử, các cán bộ, giảng viên phụ trách khoa học công nghệ.
TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng nhấm mạnh tầm quan trọng của Hội nghị
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng cho biết: Việc chuyển đổi số trong giáo dục đã và đang tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong quản lý, dạy học, kiểm tra và đánh giá đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, trong đó việc xây dựng kho học liệu điện tử là một phương tiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Học liệu điện tử bao gồm giáo trình điện tử, sách giáo khoa điện tử, tài liệu tham khảo điện tử, bài kiểm tra đánh giá, bản trình chiếu, bảng dữ liệu, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, bài giảng điện tử, phần mềm dạy học, thí nghiệm mô phỏng và các học liệu số hoá khác.
TS Nguyễn Minh Phương mong muốn, thông qua các báo cáo khoa học, thảo luận, hội nghị sẽ chia sẻ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề xuất, kiến nghị các giải pháp góp phần giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên hiểu rõ hơn về các quy trình xây dựng, thẩm định bài giảng và triển khai đào tạo trên nền tảng số được thực hiện bài bản, đảm bảo chất lượng học liệu điện tử cũng như quản lý, hỗ trợ người học tốt nhất trong quá trình đào tạo.
Các báo cáo viên trình bày tại Hội nghị
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày 02 tham luận, trong đó tập trung vào các vấn đề: Triển khai các quy định và quy trình tổ chức sản xuất học liệu điện tử; Hướng dẫn sản xuất học liệu điện tử theo các tiêu chuẩn hiện hành.
Đại biểu thảo luận, chia sẻ tại Hội nghị
Tại chương trình, các đại biểu đã cùng nhau phân tích, đánh giá, chia sẻ các ý kiến có giá trị chuyên sâu dựa trên các văn bản, quy định tổ chức sản xuất và tiêu chuẩn học liệu điện tử. Có thể thấy sự quyết tâm từ phía các cán bộ, giảng viên Nhà trường trong việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ công nghệ, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý giáo dục.
Tổng kết Hội nghị, PGS TS Phạm Thị Tâm – Trưởng phòng Quản lý khoa học và đối ngoại ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp có giá trị khoa học, có sự đánh giá sâu sắc và gợi mở nhiều phương án hữu ích trong công tác tổ chức sản xuất và tiêu chuẩn học liệu điện tử. Đồng thời mong muốn, các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến, trên cơ sở đó giúp Ban soạn thảo tạo bổ sung, hoàn thiện nội dung xây dựng quy định tổ chức sản xuất và tiêu chuẩn học liệu điện tử phù hợp với đặc điểm tình hình của Trường Đại học Mở Hà Nội trong thời gian tới.