Ngày 21/8, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Xác lập quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 200 điểm cầu với sự tham gia của gần 300 đại biểu.
PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, các chuyên gia và các cán bộ, giảng viên đã dành thời gian, tâm huyết đến tham dự Hội thảo và cho biết: Chúng ta đều hiểu rằng khoa học và công nghệ là thước đo của sự phát triển: kết quả của nghiên cứu khoa học là sáng tạo tri thức góp phần vào kho tàng văn minh nhân loại, là phát triển các giải pháp, công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ được đánh giá chủ yếu thông qua các tài sản trí tuệ như công trình công bố, tác phẩm nghệ thuật, phát minh sáng chế, giải pháp, công nghệ được chuyển giao. Và trong bối cảnh của một thế giới phẳng hơn, mở hơn; cùng với xu thế toàn cầu hoá trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là cạnh tranh thương mại đòi hỏi mỗi chúng ta phải bảo vệ quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ của chính mình, đồng thời, thực thi quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ của các chủ thể khác để tránh vi phạm dù là do yếu tố chủ quan hay khách quan.
“Hội thảo ngày hôm nay là một diễn đàn rất có ý nghĩa đối với các cơ sở giáo dục đại học nói chung và trường Đại học Mở Hà Nội nói riêng. Sự tham gia của các diễn giả là các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ không chỉ giúp lan tỏa kiến thức, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và bản quyền; nâng cao ý thức tôn trọng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và các quyền liên quan; mà còn chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm cần thiết về cách thức tiến hành xác lập quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sáng chế, giải pháp hữu ích, sáng kiến, tác phẩm; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học để làm thế nào vừa đảm bảo khai thác hiệu quả của các đề tài sau khi được nghiệm thu, vừa đảm bảo các quy định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, Hội thảo này cũng là diễn đàn cho các Nhà trường có thêm cái nhìn để nghiên cứu ban hành các giải pháp, cơ chế, chính sách tổ chức và quản lý hoạt động sở hữu trí phù hợp, nhằm tăng cường số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận bảo hộ; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà khoa học, các nhà sáng chế; và khai thác hiệu quả các kết quả nghiên cứu khoa học”, PGS TS Nguyễn Thị Nhung nhấn mạnh.
PGS TS Phạm Thị Tâm – Trưởng phòng Quản lý khoa học và đối ngoại phát biểu đề dẫn tại Hội thảo
PGS TS Phạm Thị Tâm – Trưởng phòng Quản lý khoa học và đối ngoại cho biết: Trong thời gian qua, kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là số lượng công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thuộc danh mục WoS; tuy nhiên, số lượng văn bằng sở hữu trí tuệ và hợp đồng chuyển giao công nghệ còn ở mức khá khiêm tốn. Trong khi đó, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đặt ra yêu cầu góp sức, chung tay của các nhà khoa học nói riêng và các cơ sở giáo dục đại học nói chung; ở phạm vi Ngành, yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục đại học là phải có năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, được thể hiện qua kết quả công bố và nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trong thực tế, để tạo ra giá trị gia tăng từ kết quả nghiên cứu khoa học buộc các trường đại học phải chủ động bắt tay với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ. Và ở đây, đặt ra vấn đề xác lập quyền sở hữu đối với các tài sản được chuyển giao.
“Cùng với việc tăng cường thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng liên quan đến xác lập quyền SHTT và chuyển giao công nghệ như đã đề cập ở trên, mục tiêu hết sức quan trọng mà Hội thảo hướng tới, đó là chúng ta cùng nhau lan toả văn hoá tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong mọi hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục, đào tạo của các nhà trường, đồng thời, bàn thảo, đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, làm nền tảng để tăng cường chuyển giao công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học”, PGS TS Phạm Thị Tâm chia sẻ.
Hình ảnh các báo cáo viên trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày 03 tham luận: Xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học; Quản trị và khai thác tài sản trí tuệ: xác lập, thực thi và đảm bảo quyền tác giả trong các cơ sở giáo dục đại học; Chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại trường đại học-thực tiễn và giải pháp. Các bài tham luận đều có sự tham gia thảo luận, phân tích, đánh giá được những nội dung trọng tâm tại Hội thảo như: các vấn đề liên quan đến việc xác lập, bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu khoa học, giáo trình, học liệu, đề án, đề tài, luận văn, luận án, bài báo khoa học; các vấn đề liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tự chủ và các nguồn tài trợ khác; và các vấn đề khác có liên quan trong các cơ sở giáo dục đại học.
Hình ảnh các đại biểu tham gia thảo luận, phân tích, chia sẻ trực tiếp và trực tuyến tại Hội thảo
Theo TS Lê Ngọc Lâm – Nguyên Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, Cố vấn Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Văn phòng Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva nhận định: Việc xác lập, bảo vệ, khai thác các loại tài sản trí tuệ trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học là một trong những vấn đề tạo nên thương hiệu của mỗi trường đại học. Để bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ một cách hiệu quả, đúng quy định cần phải có một chiến lược quản trị và phát triển phù hợp mà trước hết là mỗi thầy, cô giáo, mỗi học viên, sinh viên phải nắm được những nội dung cơ bản về bảo vệ, khai thác tài sải trí tuệ để bảo vệ quyền lợi chính mình, của Nhà trường cũng như các quy định về việc sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ của các cá nhân, tổ chức khác. Cùng với đó, nhiều ý kiến đến từ nhiều đại biểu đều khẳng định hoạt động sở hữu trí tuệ đã và đang được các trường quan tâm chú trọng phát triển, bằng chứng là số lượng đơn đăng ký và bằng sáng chế, giải pháp hữu ích của các trường có xu hướng tăng, tuy nhiên việc quản trị, khai thác các tài sản trí tuệ, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong trường vẫn gặp nhiều khó khăn. Từ những thách thức, hạn chế đó các chuyên gia, nhà khoa học cũng đưa ra những đề xuất để triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ như: xây dựng và thực thi có hiệu quả chiến lược, chính sách phát triển tài sản trí tuệ…
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình
Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, qua đó góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học nói chung và Trường Đại học Mở Hà Nội nói riêng cần tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thời gian tới.