Ngày 12/12, tại Trường Đại học Mở Hà Nội, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thùy Linh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngôn ngữ Anh; Mã số: 9220201 với đề tài “Motion-emotion metaphors in English and Vietnamese” (Ẩn dụ về cảm xúc thông qua các động từ chuyển động trong tiếng Anh và tiếng Việt). Luận án được hướng dẫn bởi PGS TS Hoàng Tuyết Minh.
Hội đồng chấm luận án tặng hoa chúc mừng nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thùy Linh
PGS TS Hồ Ngọc Trung – Chủ tịch Hội đồng điều hành buổi đánh giá luận án. Hội đồng thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thùy Linh trong suốt quá trình thực hiện đề tài và được các thành viên Hội đồng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu, học tập và những nỗ lực của nghiên cứu sinh trong suốt thời gian qua.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thùy Linh trình bày luận án trước Hội đồng
Trước Hội đồng, Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thùy Linh đã trình bày tóm lược kết quả nghiên cứu, trả lời các câu hỏi phản biện để làm rõ được mục đích của nghiên cứu là xác định cách ý niệm hóa cảm xúc dưới dạng chuyển động trong tiếng Anh và tiếng Việt; So sánh ẩn dụ về cảm xúc thông qua các động từ chuyển động giữa tiếng Anh và tiếng Việt.
Theo đánh giá của Hội đồng, Luận án đã có những đóng góp khoa học quan trọng:
Về mặt lý thuyết, luận án đạt được ba đóng góp chính.
Thứ nhất, luận án đã mở rộng và làm sâu sắc thêm lý thuyết về ẩn dụ tri nhận. Luận án tiên phong trong việc áp dụng khung phân tích đa chiều của ẩn dụ được đề xuất bởi Kövecses (2017) để nghiên cứu các ẩn dụ chuyển động-cảm xúc (MEMs) trong cả tiếng Anh và tiếng Việt. Khung nghiên cứu này cung cấp một cách tiếp cận toàn diện để khám phá các quá trình nhận thức tiềm ẩn đằng sau ngôn ngữ ẩn dụ, để từ đó mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực ngữ nghĩa học tri nhận bằng cách áp dụng khung phân tích đa chiều của Kövecses (2017) trong việc phân tích các ẩn dụ nói chung và ẩn dụ biểu thị cảm xúc thông qua động từ chuyển động nói riêng. Ngoài ra, luận án cũng đã góp phần làm giàu lý thuyết hiện tại về ẩn dụ, đặc biệt là về mối quan hệ giữa cảm xúc và chuyển động, cung cấp một công cụ hữu ích cho việc nghiên cứu so sánh các ẩn dụ trong các ngôn ngữ khác nhau.
Thứ hai, luận án đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa các cấp độ của ẩn dụ (lược đồ hình ảnh, miền, khung và không gian tinh thần). Bằng việc áp dụng khung phân tích đa chiều của Kövecses, luận án đã thiết lập một cơ sở vững chắc để phân tích và diễn giải các ẩn dụ ở nhiều cấp độ, từ lược đồ hình ảnh đến không gian tinh thần. Việc xác định mối liên hệ chặt chẽ giữa các cấp độ này đã giúp làm sáng tỏ cơ chế hình thành và phát triển của ẩn dụ, đồng thời mở ra những góc nhìn mới về sự tương tác giữa các yếu tố nhận thức và ngôn ngữ trong việc biểu đạt cảm xúc.
Thứ ba, luận án mở ra những hướng đi mới cho nghiên cứu về ẩn dụ. Luận án đã đặt ra những câu hỏi mới và mở ra những hướng đi nghiên cứu mới về ẩn dụ, đặc biệt là về vai trò của các yếu tố văn hóa và xã hội trong việc hình thành và sử dụng ẩn dụ. Luận án có thể tạo ra sự kết nối giữa các lĩnh vực như ngôn ngữ học, tâm lý học và triết học, thúc đẩy sự phát triển của các nghiên cứu liên ngành về ẩn dụ.
Về mặt thực tiễn, những phát hiện từ luận án đóng góp thiết thực cho các lĩnh vực dịch thuật, ngôn ngữ học ứng dụng và giao tiếp đa văn hóa. Liên quan đến lĩnh vực dịch thuật và phiên dịch, việc hiểu được sắc thái ngôn ngữ của những ẩn dụ này giúp đảm bảo việc dịch và giải thích chính xác. Ở khía cạnh ngôn ngữ học ứng dụng, việc hiểu cách sử dụng MEMs trong tiếng Anh và tiếng Việt có thể có ý nghĩa đối với việc dạy và học ngôn ngữ. Bằng cách kết hợp những ẩn dụ này vào việc giảng dạy ngôn ngữ, người dạy có thể giúp người học hiểu và biết cách biểu đạt cảm xúc tốt hơn bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Cuối cùng, liên quan đến giao tiếp liên văn hóa, việc nghiên cứu MEMs bằng tiếng Anh và tiếng Việt cũng có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho giao tiếp đa văn hóa, giúp các cá nhân có thể giao tiếp và đồng cảm tốt hơn với những người có nền văn hóa khác nhau.
Hình ảnh Hội đồng nhận xét đánh giá Luận án
Sau khi lắng nghe nghiên cứu sinh trình bày kết quả nghiên cứu và trả lời các câu hỏi phản biện, Hội đồng chấm luận án đã họp và đánh giá cao kết quả nghiên cứu và phần thuyết minh đề tài của nghiên cứu sinh, khẳng định luận án có giá trị khoa học và thực tiễn. Luận án được 6/6/7 thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.
PGS TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của luận án
Tại buổi lễ, PGS TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn đến Hội đồng và các thầy cô hướng dẫn trong suốt thời gian qua đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, các thầy cô là yếu tố quyết định đến sự thành công và chất lượng chuyên môn luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thùy Linh. Đồng thời đánh giá rất cao năng lực nghiên cứu của nghiên cứu sinh và khẳng định kết quả nghiên cứu là những cố gắng không chỉ của nghiên cứu sinh mà còn nhờ sự hướng dẫn của giáo viên, những ý kiến góp ý của các nhà khoa học và đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ của tập thể sư phạm Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Phenikaa.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ cảm nghĩ
Chia sẻ tại buổi lễ, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thùy Linh trân trọng cảm ơn các thành viên của Hội đồng đã góp ý sâu sắc để nghiên cứu sinh hoàn thiện luận án tiến sĩ của mình. Đồng thời, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thùy Linh gửi lời cảm ơn và tri ân tới PGS TS Hoàng Tuyết Minh là người truyền cảm hứng đam mê khoa học, luôn bên cạnh hướng dẫn cho nghiên cứu sinh. Nghiên cứu sinh gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Phenikaa, đặc biệt gửi lời cảm ơn tới tập thể sư phạm Khoa Tiếng Anh – Trường Đại học Mở Hà Nội đã luôn quan tâm, hỗ trợ nghiên cứu sinh trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu; cùng đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là gia đình, nguồn động viên và cổ vũ tinh thần lớn lao để nghiên cứu sinh có thể thực hiện và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.
Một số hình ảnh tại buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ: