Thực hiện Kế hoạch số 53/KH-BCĐ ngày 05/02/2025 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) về việc thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người năm 2025
Thực hiện Công điện số 139/CĐ-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng; Công văn số 2470/BGDĐT-HSSV ngày 20/5/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT) về đẩy mạnh công tác bảo đảm ANTT, phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật năm 2025, để bảo đảm ANTT, phòng ngừa tội phạm và chống vi phạm pháp luật cho viên chức, người lao động (VCNLĐ) nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên (sau đây gọi tắt là người học)
Trường Đại học Mở Hà Nội đề nghị các tổ chức, đơn vị, VCNLĐ và người học triển khai, thực hiện các nội dung sau:
1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm (PCTP), phòng, chống mua bán người theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an và Bộ GDĐT, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Đại hội Đảng các cấp và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước trong năm 2025.
2. Quán triệt đến VCNLĐ, người học về công tác PCTP và vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong Nhà trường, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tại địa phương kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh hàng quán, lô đề, dịch vụ internet, dịch vụ cầm đồ, cho vay nặng lãi…xung quanh đơn vị nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong và ngoài đơn vị. Tổ chức cho sinh viên ký cam kết không vi phạm hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, vay tín dụng đen, mại dâm, vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ…
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của VCNLĐ, người học và cộng đồng về PCTP, phòng chống mua bán người, phòng chống bạo lực học đường; nâng cao cảnh giác, ý thức trách nhiệm tự phòng ngừa đối với các phương thức, thủ đoạn của các loại hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, về quản lý, bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là thủ đoạn lợi dụng lôi kéo, dụ dỗ VCNLĐ, người học mở tài khoản ngân hàng, thuê bao di động để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
4. Triển khai hiệu quả các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7” phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực. Tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền về tội phạm mua bán người (nhất là sử dụng mạng internet, mạng xã hội) để VCNLĐ, người học cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn mua bán người dưới hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động “việc nhẹ, lương cao”.
5. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương trong công tác quản lý, nắm bắt tình hình, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật cho người học; tích cực tham gia tố giác, phát giác tội phạm và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn quyền, lợi ích hợp pháp của người học.
6. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong Nhà trường.
Nhà trường kêu gọi các các tổ chức, đơn vị, VCNLĐ và người học đồng lòng đẩy mạnh công tác bảo đảm ANTT, phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng một tổ chức, cá nhân nào mà là nhiệm vụ chung của toàn ngành giáo dục và xã hội. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này không chỉ góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, văn minh mà còn tạo nền tảng để hình thành lớp sinh viên ưu tú – vừa giỏi chuyên môn, vừa có đạo đức và bản lĩnh, sẵn sàng cống hiến cho đất nước trong thời kỳ mới.