• 07/05/2025
  • Trung tâm Truyền thông & Tuyển sinh
  • Lượt xem: 116

Ngày 07/5, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng phát triển văn hóa đọc lần thứ VII năm 2025 nhằm tôn vinh những đóng góp quý báu của tổ chức, cá nhân đối với văn hoá đọc. 

Đã có 118 hồ sơ của các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng. Ban tổ chức đã tôn vinh 20 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc. Trong đó, Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội là một trong 20 tập thể vinh dự nhận giải thưởng lần này. Đây là lần thứ 2 đơn vị được trao tặng giải thưởng, là niềm tự hào khi tiếp tục đóng góp vào hành trình lan tỏa văn hóa đọc trong Nhà trường.

TS. Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại Lễ tổng kết, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Phan Tâm ghi nhận và đánh giá cao tinh thần lao động, sáng tạo, cống hiến hết mình của các tập thể, cá nhân đã luôn xây dựng phong trào đọc, phát triển văn hóa đọc tại địa phương, cơ quan, đóng góp cho sự phát triển văn hóa Việt Nam, đồng thời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, trường học, doanh nghiệp và từng người dân tiếp tục đồng hành, sáng tạo những mô hình tiếp cận sách đa dạng để cùng nhau lan tỏa, chung tay góp sức phát triển văn hóa đọc bền vững trong cộng đồng.

ThS Ngô Thanh Tùng – Giám đốc Thư viện đại diện cho Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội nhận khen thưởng

ThS. Ngô Thanh Tùng – Giám đốc Thư viện, Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: “Mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên cần trở thành một đại sứ văn hóa đọc, lan tỏa niềm đam mê và thói quen đọc tới cộng đồng xung quanh mình. Văn hóa đọc không chỉ dừng lại ở việc đọc sách, mà còn là đọc để hiểu, để suy ngẫm, để áp dụng vào thực tiễn, từ đó hình thành nên những công dân có tư duy độc lập, sáng tạo và trách nhiệm.”

Trong thời gian tới, Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động như tổ chức tọa đàm chuyên đề, câu lạc bộ sách, workshop kỹ năng đọc sách hiệu quả, tăng cường nguồn tài nguyên số, mở rộng kho học liệu điện tử để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học. Nhà trường cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, đơn vị xuất bản, thư viện trong và ngoài nước nhằm mang đến cho sinh viên cơ hội tiếp cận với những nguồn tri thức phong phú, cập nhật nhất.

Bởi lẽ, như nhà bác học vĩ đại Maxim Gorky từng nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Nhà trường tin rằng, thông qua việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc vững mạnh, mỗi sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ có thêm hành trang quý giá để vững bước trên con đường chinh phục tri thức và phát triển bản thân, góp phần xây dựng xã hội học tập suốt đời.