• 21/11/2024
  • Nguyễn Việt Hùng
  • Lượt xem: 14

Ngày 14/11/2024, Trường Đại học Mở Hà Nội ban hành công văn số 5083/ĐHM về việc triển khai hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” năm 2024.

Tai nạn giao thông là một trong những thảm họa mang tính toàn cầu, diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi trên thế giới. Tai nạn giao thông gây ra những mất mát to lớn về con người, của cải và để lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của mọi quốc gia.

Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 01 triệu 300 ngàn người chết và khoảng 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT). TNGT vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi từ 15-27 tuổi. Ở Việt Nam, trong những năm qua, TNGT được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm nay, toàn quốc vẫn xảy ra hơn 19.700 vụ tai nạn giao thông và đã có hơn 9 ngàn người bị cướp đi mạng sống cùng gần 15 ngàn người bị thương tật suốt đời. Trong đó, TNGT liên quan đến trẻ em xảy ra gần 02 ngàn vụ làm cho gần 800 trẻ em bị thiệt mạng và hơn 02 ngàn trẻ em bị thương. Hậu quả TNGT để lại những nỗi đau dai dẳng cho các gia đình nạn nhân, ảnh hướng đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến hình ảnh một đất nước an toàn, thân thiện trong đánh giá của bạn bè, đối tác.

Tại Việt Nam, lần đầu tiên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” vào ngày 19/11/2012 và từ năm 2013 đến nay được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước nhằm cảnh báo xã hội về thảm họa tai nạn giao thông. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông. Đây cũng là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những nạn nhân xấu số đã thiệt mạng khi tham gia giao thông, đồng thời chia sẻ những đau thương, mất mát, gánh nặng với người thân của họ.

“Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” cũng là dịp để mỗi người trong chúng ta nhìn lại bức tranh toàn cảnh về nỗi đau dai dẳng do tai nạn giao thông để lại, từ đó nâng cao tinh thần, trách nhiệm của lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và của mỗi người dân khi tham gia giao thông, góp phần thực hiện mục tiêu giảm số vụ, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông.

Năm nay, Việt Nam cùng thế giới tổ chức hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, để bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông và chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ và tự nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gi so sánh được của cuộc sống an toàn. Đồng thời đây cũng dịp, để nhắc nhở mỗi chúng ta về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật trật tự an toàn giao thông như: “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”; “Hãy tuân thủ tốc độ – Nhanh một giây, chậm cả đời”; “Đội mũ cho con – Trọn tình cha mẹ”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Thắt dây an toàn khi đi ô tô”; “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện”…. Mỗi người hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, để cùng xây dựng môi trường tham gia giao thông an toàn, văn minh. Và hơn hết, chính mỗi bậc phụ huynh, mỗi thầy cô giáo, mỗi cá nhân phải làm gương về việc thực thi quy định pháp luật, xây dựng văn hoá giao thông, nâng cao ý thức trách nhiệm với bán thân, với cộng đồng, khi tham gia giao thông và luôn nhớ nghĩa vụ bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em. Hãy vì niềm thương xót những người đã mất, mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống!

Tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Để giảm ùn tắc và hạn chế tới mức thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra, khi tham gia giao thông, mọi người cần chấp hành tốt một số các quy định sau:

  1. Nghiêm chỉnh chấp hành hướng dẫn của người điều khiển giao thông, hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, không được dừng, đỗ xe trái quy định gây cản trở giao thông.
  2. Điều khiển phương tiện đi đúng phần đường, làn đường quy định; Khi chuyển hướng rẽ hoặc vượt xe phải có tín hiệu báo trước, chỉ được vượt, chuyển hướng khi có đủ điều kiện an toàn.
  3. Không điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
  4. Không xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
  5. Chấp hành nghiêm các quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước của mình.
  6. Đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách.
  7. Không dừng, đỗ xe, tụ tập dưới lòng đường, hè phố sai quy định.
  8. Không chở quá số người sai quy định; không lạng lách, đánh võng trên đường.

Chấp hành Luật giao thông là thể hiện nét đẹp văn hóa của người tham gia giao thông góp phần giữ gìn đảm bảo TTATGT. 

“Tai nạn giao thông – Nỗi đau còn đó”

 “Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại”.

“An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người!”