• 30/09/2024
  • Nguyễn Trung Kiên
  • Lượt xem: 424

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trong việc thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông; công tác phòng, chống ma túy và công tác phòng, chống bạo lực học đường trong toàn Trường, trên cơ sở  thực hiện Thông báo số 342/TB-VPCP ngày 23/7/2024 của Văn phòng Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm Quý III năm 2024; căn cứ Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên (HSSV); Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới Công văn số 4857/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 29/8/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT, PCMT, bạo lực học đường cho HSSV năm học 2024 – 2025, Trường Đại học Mở Hà Nội đề nghị các đơn vị triển khai, thực hiện một số nội dung sau:

Đối với công tác giáo dục an toàn giao thông

  1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về ATGT và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho sinh viên; tăng cường hướng dẫn sinh viên chấp hành các quy định tham gia giao thông an toàn khi điều khiển phương tiện; phối hợp tổ chức Đoàn TN, Hội sinh viên và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự ATGT khu vực học tập.
  2. Tuyên truyền, vận động viên chức, người lao động (VCNLĐ) nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên (sau đây gọi tắt là người học) thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, cụ thể: “Đã uống rượu, bia – không lái xe”; “Không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”; “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện”; “Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô”…; tuân thủ các quy tắc giao thông; phòng ngừa tai nạn đường đèo dốc, trên những cung đường miền núi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, đường ngang qua đường sắt; tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn khi ngồi trên phương tiện đường thủy nội địa…
  3. Tiếp tục lồng ghép phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT cho sinh viên qua Tuần sinh hoạt công dân sinh viên đầu năm học 2024 – 2025; BCH Đoàn Thanh niên, BCH Hội SV quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện cho thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia hỗ trợ về giao thông trong dịp đón tiếp sinh viên mới nhập học để tránh gây ùn tắc tại các đầu mối giao thông trên địa bàn.

Đối Đối với công tác phòng, chống ma túy

  1. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy cho VCNLĐ và người học, trọng tâm là tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma túy; các thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ thanh thiếu niên sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và ma túy “núp bóng” các loại thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn qua hệ thống website, mạng xã hội và các hoạt động của đơn vị.
  2. Tổ chức phát động cho sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy đầu năm học 2024 – 2025, với chủ đề “Trường học không có ma túy”.
  3. BCH Đoàn Thanh niên, BCH Hội sinh viên Tổ chức cho sinh viên ký cam kết với nhà trường: “Không sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy hoặc xúi giục người khác tham gia dưới bất kỳ hình thức nào”.

Đối với công tác phòng, chống bạo lực học đường

  1. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong toàn ngành Giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường.
  2. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở địa phương trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn trường học; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cho sinh viên.
  3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nhà giáo.