Cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin về Hội thảo:

Báo Giáo dục và Thời đại

Tạp Chí Giáo dục Việt Nam

——————————————————

Ngày 26/3, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức hội thảo Hệ thống đào tạo trực tuyến “Mô hình và yếu tố đảm bảo chất lượng trong đào tạo”. Hội thảo được tổ chức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, với 50 điểm cầu, trong đó có 2 đầu cầu quốc tế, là minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động đa dạng của Trường Đại học Mở Hà Nội. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ GD&ĐT và hàng trăm nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các đơn vị đào tạo trên cả nước tham dự.

Đoàn chủ tọa điều hành Hội thảo gồm TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội và TS Lê Nguyễn Quốc Khang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh.

Hội thảo được kết nối với các trường đại học trên thế giới

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định tầm quan trọng của đào tạo trực tuyến, nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo Thứ trưởng, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình đào tạo. Ranh giới giữa mô hình đào tạo truyền thống với mô hình đào tạo trực tuyến có sự dịch chuyển. Chúng ta phải chủ động điều chỉnh, thích ứng cũng như dẫn dắt để phát triển. Thứ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao sự nỗ lực của các trường đại học, đi đầu là Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Mở Tp. HCM đã nghiên cứu một cách bài bản, có suy nghĩ thấu đáo để triển khai đào tạo trực tuyến, có những dự án, sáng kiến và việc tổ chức dạy trực tuyến được đánh giá cao. Ông hy vọng các nhà khoa học, nhà quản lý tham gia hội thảo này sẽ có những ý kiến đóng góp để Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh về mặt chính sách. Chính sách đó sẽ hỗ trợ, thúc đẩy cho đào tạo trực tuyến, mang lại lợi ích tốt nhất cho người học nhưng đồng thời cũng đảm bảo chất lượng để giải trình với xã hội, để người học sẽ có cơ hội tiếp cận với giáo dục chất lượng tốt.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn hoan nghênh và đánh giá cao sự nỗ lực của Đại học Mở Hà Nội

cùng một số trường đại học trong việc tiên phong tổ chức đào tạo trực tuyến

TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở hà Nội khẳng định, trong hệ thống đào tạo trực tuyến, vai trò của người thầy không phai mờ. Những cuốn giáo trình dày hàng trăm trang sẽ dần được thay thế bằng tài liệu ngắn, theo từng chủ đề. Nhiệm vụ của giảng viên là lựa chọn tài liệu để hướng dẫn người học học tập, nghiên cứu. Thầy mong muốn các nhà khoa học đưa ra ý kiến để có thể định nghĩa được hệ thống đào tạo tực tuyến một cách hoàn chỉnh, từ đó chỉ ra các yếu tố để làm thước đo kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến.

TS. Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội khẳng định vai trò của người thầy trong đào tạo trực tuyến

Tham luận tại hội thảo, TS. Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội trao đổi, các trường có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Chẳng hạn như, ứng dụng trong quản lý đào tạo theo hướng số hóa và cá thể hóa đến từng người học; áp dụng trong các dịch vụ công phục vụ sinh viên; xây dựng hệ thống giám sát người học…Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, các trường đã sử dụng công cụ trực tuyến để dạy học. Tuy nhiên, đó mới là sự dịch chuyển và ứng dụng trên nền tảng của mô hình dạy học truyền thống. Vì vậy, đối với đào tạo trực tuyến, cần thay đổi: phương pháp học tập, xây dựng nội dung thiết kế kịch bản dạy học, phương pháp tổ chức dạy học, khả năng tương tác đa chiều trong dạy học, phương pháp đánh giá kết quả học tập và liên thông giữa kết quả học tập và quản lý.

TS. Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhấn mạnh sự khác nhau

giữa ứng dụng công nghệ trong dạy – học với đào tạo trực tuyến

Là một chuyên gia về quản trị đại học; là nhà khoa học đầu ngành, có uy tín cao trong giới khoa học trong và ngoài nước, GS. TS Mai Trọng Nhuận – Nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc phát triển đào tạo từ xa là cần thiết trong bối cảnh mới, trong đó công tác đảm bảo chất lượng là vấn đề then chốt. Để có thể kiểm định chất lượng của đào tạo trực tuyến, cần có những chuyên gia thực sự am hiểu về giáo dục mở và đào tạo từ xa. Thành tựu và kinh nghiệm của Trường Đại học Mở Hà Nội và các trường đại học có thế mạnh về đào tạo trực tuyến sẽ góp phần thúc đẩy quá trình kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo này.

GS. TS Mai Trọng Nhuận đánh giá cao thành tự và kinh nghiệm của Đại học Mở Hà Nội trong đào tạo trực tuyến

Qua các bài tham luận và các ý kiến góp ý của các nhà quản lý, nhà khoa học trong nước,  các diễn giả ở nước ngoài, bức tranh chung về đào tạo trực tuyến đã được mô tả rõ nét hơn. Cơ bản cấu thành hệ thống đào tạo trực tuyến là chương trình đào tạo, hệ thống học liệu điện tử, thư viện điện tử, công nghệ, nhân lực (trong đó bao gồm cả người dạy và người học) và không thể thiếu được đó là hành lang pháp lý cho việc vận hành hệ thống đó. Đặc biệt là sự khác biệt rõ rệt của hệ thống đào tạo trực tuyến so với khái niệm ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và đào tạo. 

Các đại biểu trình bày tham luận và trình bày quan điểm về mô hình và các yếu tố đảm bảo chất lượng trong đào tạo trực tuyến

PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội tổng kết hội thảo

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội nhấn mạnh: Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh là hai đơn vị tiên phong trong giáo dục mở và đào tạo từ xa. Cả hai trường đã và sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ các trường, các cơ sở đào tạo trong công tác đào tạo trực tuyến. Hai trường đại học mở sẽ là những đơn vị đầu tiên triển khai công tác kiểm định các chương trình đào tạo trực tuyến để từ đó nhân rộng và đẩy mạnh hình thức đào tạo này. PGS.TS Nguyễn Thị Nhung mong muốn, tiếp theo hội thảo này sẽ có những diễn đàn chuyên môn sâu hơn, có nhiều sự tham gia hơn của các nhà khoa học, nhà quản lý để tiếp tục thảo luận, tìm ra hướng đi bền vững trong phát triển đào tạo trực tuyến tại Việt Nam.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

(Trung tâm Thông tin và Truyền thông)