Chiều 31/3, chỉ ít giờ trước khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ có hiệu lực, Trường Đại học Mở Hà Nội đã tiến hành bàn giao cơ bản các hạng mục cơ sở vật chất cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện Văn Giang, Hưng Yên để triển khai cơ sở cách ly tập trung.
Tổ công tác của Trường Đại học Mở Hà Nội trao đổi với BCH Quân sự huyện Văn Giang về phương án triển khai cơ sở cách ly
Đây là cơ sở cách ly số 1 thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 12km phục vụ công tác cách ly những người đến từ hoặc đi qua vùng dịch, những người tiếp xúc với người nhiễm Covid-19. Địa điểm là khu học tập trung dành cho sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội tham gia học Quốc phòng An ninh tập trung với 350 chỗ lưu trú khép kín, nước nóng và điều hòa, giảng đường, khu thể thao trong nhà và bếp ăn đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hai bên tiến hành kiểm tra và bàn giao cơ sở vật chất
Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết “Với trách nhiệm xã hội của một trường đại học công lập, chúng tôi luôn sẵn sàng những điều kiện tốt nhất có thể để đóng góp vào chiến dịch này. Giảng viên, sinh viên của Trường đã chuyển đổi sang hình thức dạy – học trực tuyến gần 2 tháng nay, đội ngũ cán bộ quản lý và văn phòng bắt đầu làm việc trực tuyến từ 3 tuần nay, tất cả nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Chúng tôi tin tưởng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan chức năng, Việt Nam sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến này”.
Hình ảnh một lớp học môn Giáo dục Quốc phòng của sinh viên Đại học Mở Hà Nội trước thời điểm diễn ra dịch Covid-19
Là một trường đại học trọng điểm, tiên phong về đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, Trường Đại học Mở Hà Nội đã sớm trang bị hệ thống công nghệ đào tạo hiện đại và kỹ năng làm việc, học tập trực tuyến cho cán bộ, giảng viên, sinh viên. Từ khi dịch Covid-19 diễn ra, Nhà trường đã chuyển đổi toàn bộ công tác đào tạo sang hình thức trực tuyến.
Đến nay, hơn 11.000 sinh viên chính quy của trường đều tham gia học tập trực tuyến theo thời khóa biểu. Đã có gần 2000 lớp học được khởi tạo, với hơn 90.000 lượt sinh viên ghi danh vào lớp học, hơn 800.000 lượt đăng nhập, thực hiện hơn 18 triệu thao tác. Tuy nhiên, do chuyển đổi hình thức học khá đột ngột, các môn học thực hành ở một số ngành kỹ thuật vẫn chưa thực hiện được do thiếu học liệu điện tử. Các phần học này sẽ được Nhà trường bố trí vào khoảng thời gian hợp lý để không làm ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của sinh viên.
Sinh viên có thể học trực tuyến trên bất kỳ thiết bị thông minh nào có kết nối internet
Từ khi Hà Nội công bố dịch, một số giảng viên đã được chủ động thực hiện các bài giảng trực tuyến tại nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng viên ở xa hoặc ở địa điểm có người nghi nhiễm. Giảng viên dạy trực tuyến tuy có vất vả hơn dạy truyền thống nhưng với tinh thần chung của cả nước quyết tâm “chiến đấu” với dịch, hầu hết cán bộ, giảng viên của Nhà trường đều giữ vững nhiệt huyết.
Giảng viên được trang bị công nghệ và kỹ năng để lên lớp tại nhà
Có thể nói, đào tạo trực tuyến đã giúp cho giảng viên, sinh viên và Nhà trường không bị “vỡ” kế hoạch. Đồng thời, góp phần cùng Hà Nội và cả nước hạn chế việc di chuyển có thể gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.