Giáo dục Quốc phòng và An Ninh (GDQP&AN) là môn học chính khóa trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giảng viên GDQP&AN là lực lượng trực tiếp tổ chức cho sinh viên thực hiện nhiệm vụ học tập và rèn luyện, biến chủ trương GDQP – AN thành thực tiễn. Phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên GDQP&AN là khâu then chốt, là nhiệm vụ trọng yếu của Trung tâm GDTC, QP&AN, Trường Đại học Mở Hà Nội.
Bên cạnh đó, yêu cầu nhiệm vụ đào tạo đòi hỏi ngày càng cao, môn học GDQP – AN đã và đang thực hiện đào tạo tín chỉ, đội ngũ giảng viên khi tiếp cận với phương thức đào tạo mới cần sự hiểu biết, khả năng khai thác các phương tiện công nghệ thông tin, việc sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại trong quá trình dạy học và quản lí đào tạo ….
Giảng viên ứng dụng Công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng và giảng dạy Quốc phòng An ninh
Quán triệt quan điểm đổi mới giáo dục của Đảng, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện của Nhà trường, GDQP – AN cần phải đổi mới một cách cơ bản và toàn diện, trong đó, phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lí là khâu then chốt để tạo được sự chuyển biến cơ bản và toàn diện về công tác GDQP – AN.
Thực hiện “chuẩn hoá” đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí công tác GDQP – AN, Năm học 2020 – 2021, Trung tâm xây dựng kế hoạch cử cán bộ đi học văn bằng 2 ngành GDQP&AN để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị, đồng thời tận dụng nguồn nhân lực sẵn có của bộ môn GDTC. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn do Bộ GD&ĐT, Vụ GD QPAN tổ chức.
Cán bộ, giảng viên Nhà trường tham dự lớp tập huấn dành cho Cán bộ quản lý, giảng viên giảng dạy môn GDQPAN
các trường CĐSP, cơ sở GDĐH và Trung tâm GDQPAN năm 2020
ThS. Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm GD TC&QPAN cho biết: Công tác phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên của Trung tâm hướng đến tính toàn diện, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của Trung tâm và của Nhà trường. Trung tâm thường xuyên cử cán bộ giảng viên đi đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ; tuyển chọn cán bộ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng có đủ điều kiện, tiêu chuẩn; Tăng cường hiệu quả của các hoạt động chuyên môn như hội thảo, tổ chức chuyên đề, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn thiết thực với các nội dung giảng dạy để đội ngũ giảng viên thường xuyên được bổ sung, cập nhật những kiến thức mớin để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ dạy học của mình.
Sinh viên Đại học Mở Hà Nội trong giờ học online môn QPAN
Ma Thị Phương Thư, sinh viên lớp 2045A01, ngành Tài chính Ngân hàng chia sẻ: "Khi có thông báo rằng khoá chúng em sẽ học QDQP&AN theo hình thức online, bản thân em cũng có cảm thấy hơi nản một chút. Tuy nhiên, sau khi được tham gia vào những giờ học của thầy cô, em đã có một cái nhìn hoàn toàn khác. Những kiến thức trên lý thuyết tuy là khô khan, nhưng thầy cô đã biến chúng trở thành những câu chuyện, những trò chơi tương tác trực tuyến bổ ích, giúp chúng em khắc sâu hơn kiến thức. Đến giờ học là các bạn lớp em lại hăng hái và sôi nổi trao đổi những nội dung liên quan đến bài giảng. Những kiến thức ấy qua bài giảng online của thầy cô trở nên thật dễ hiểu và sinh động".