Công tác cán bộ là khâu then chốt quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng, được thực hiện thường xuyên để sớm phát hiện nguồn cán bộ có đức, có tài, có triển vọng để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài. Quy hoạch cán bộ phải đảm bảo sự liên thông của cả đội ngũ trong hệ thống chính trị; đánh giá đúng cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch, làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới.
Thực hiện công văn số 858CV/ĐUK ngày 06 tháng 3 năm 2019 và hướng dẫn số 25-HD/ĐUK ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, sáng 20/3, Đảng bộ Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội nghị rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy và các chức danh cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Tới tham dự Hội nghị, có PGS.TS. Nguyễn Mai Hương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Trương Tiến Tùng – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng cùng các đ/c Ủy viên BCH Đảng bộ; Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ; Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn TN, Chủ tịch Hội sinh viên và các đảng viên đang giữ trách nhiệm Lãnh đạo các đơn vị.
Điều hành Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mai Hương – Bí thư Đảng ủy trình bày nguyên tắc rà soát, quy hoạch cấp uỷ, các chức danh cấp uỷ Trường Đại học Mở Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Công bố danh sách nhân sự rà soát do Đảng ủy giới thiệu.
Đoàn Chủ tọa điều hành Hội nghị
Hội nghị đã tập trung một số nội dung quan trọng như quy định về số lượng, độ tuổi và cơ cấu; đánh giá cán bộ; việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020… Việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ hiện tại; triển khai xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm, nội dung và phương pháp quy trình quy hoạch cán bộ theo công văn, hướng dẫn của Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, Thành ủy Hà Nội và Ban Tổ chức Trung ương, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch cán bộ của hệ thống chính trị.
Đại biểu thảo luận tại Hội nghị
Kết quả lấy phiếu giới thiệu bổ sung quy hoạch cấp ủy và các chức danh cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 trong Hội nghị là cơ sở tham khảo để Đảng ủy tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo của Quy trình quy hoạch.
Ngay sau Hội nghị, Đảng bộ nhà trường đã tổ chức Học tập chuyên đề: “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
GS.TS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tới dự và có những chia sẻ sâu sắc liên quan đến chuyên đề trên.
GS.TS Hoàng Chí Bảo nói: “Một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn, nói phải đi đôi với làm”
GS Hoàng Chí Bảo đã trao đổi, phân tích và làm rõ một cách thuyết phục, sâu sắc những bài học từ tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách của Hồ Chí Minh để vận dụng vào chuyên đề của năm nay, đó là phong cách tác phong của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu. Đó là phong cách quần chúng, nghĩa là gần dân, thương dân và suốt đời vì dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo.
Từ những bài học về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, GS Hoàng Chí Bảo cũng nhấn mạnh: Xây dựng Đảng bây giờ, nét mới nhất không chỉ là chính trị, tư tưởng mà quan trọng là đạo đức. Đạo đức gắn với văn hóa, trong đó có phong cách và tác phong. Phê bình việc chứ không xúc phạm người.
Đảng viên và đại biểu tham gia học tập
Từ những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác, GS Hoàng Chí Bảo cũng phân tích và nhấn mạnh vấn đề giữ gìn sự trong sạch và đoàn kết trong Đảng. Theo đó, không được để những vấn đề riêng tư cá nhân ảnh hưởng, tổn thương đến sự đoàn kết của Đảng, nếu để xảy ra như thế sẽ có lỗi với lịch sử, có tội với nhân dân.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Mai Hương – Bí thư Đảng ủy tin tưởng, sau chương trình học tập chuyên đề, từng đảng viên trong Đảng bộ sẽ liên hệ bản thân, xây dựng kế hoạch tu dưỡng rèn luyện, đề ra phương hướng phấn đấu làm theo, giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của mình trong quá trình công tác, sinh hoạt hàng ngày.