Ngày 27-28/10, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội nghị thường niên về đào tạo không chính quy năm 2022. Hội nghị thu hút sự tham gia của các đại biểu đại diện các cục, vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Lãnh đạo và cán bộ của gần 60 đơn vị liên kết, các trạm đào tạo từ xa, các Nhà Khoa học, các báo cáo viên, các thầy cô giáo đại diện Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường Đại học Mở Hà Nội.

Lãnh đạo Trường Đại học Mở Hà Nội cùng đại diện các đơn vị liên kết, trạm đào tạo từ xa chụp ảnh lưu niệm

Hội nghị là diễn đàn để Trường Đại học Mở Hà Nội và các đơn vị liên kết, trạm đào tạo từ xa cùng thảo luận các vấn đề có liên quan trong quá trình tuyển sinh và đào tạo không chính quy dựa trên nền tảng công nghệ số. Từ đó, giúp Nhà trường và các đơn vị có sự điều chỉnh phù hợp, tạo nên những bước phát triển mới trong sự nghiệp giáo dục.

Sau 29 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Mở Hà Nội đã đào tạo và cung cấp cho xã hội hơn 200 nghìn cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, thạc sỹ và tiến sĩ, trong đó có trên 70%  tốt nghiệp hệ đào tạo không chính quy. Những con số khẳng định sứ mạng của Trường ĐH Mở Hà Nội: Mở cơ hội học tập cho mọi người, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong các năm qua, Trường Đại học Mở Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên kết, trạm đào tạo thực hiện tốt các khâu quản lý và tổ chức đào tạo.  Đối với một cơ sở giáo dục, hoạt động quản lý đào tạo là khâu quan trọng chủ chốt, chiếm một phần lớn tỉ trọng trong các hoạt động của Nhà trường. Quy trình quản lý đào tạo yêu cầu sự liên thông dữ liệu, phối hợp tác nghiệp giữa các đơn vị, cá nhân một cách thống nhất hiệu quả.

Phát biểu chào mừng và khai mạc Hội nghị, PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: Hiện nay, Nhà trường đang trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi số phần lớn các hoạt động nghiệp vụ trong toàn trường. Quá trình chuyển đổi sẽ giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ được thực hiện một cách có quy trình, bài bản, lưu trữ được minh chứng. Chuyển đổi số không chỉ là đưa toàn bộ quy trình thực tiễn lên trên hệ thống mà còn là cách thức phối hợp xử lý quy trình giữa các bên liên quan. Nhà trường đã xây dựng thành công hệ thống để cán bộ của Đơn vị liên kết / Trạm đào tạo tại địa phương có thể phối hợp trong tác nghiệp, phân bổ nguồn nhân lực một cách hợp lý cũng như có các đánh giá khách quan cho khối lượng đóng góp của các bên. 

PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của sự phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số chung của thế giới. Ngày 03 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Lĩnh vực giáo dục nằm trong số 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số theo Quyết định 749/QĐ-TTg tập trung chủ yếu vào hai nội dung gồm chuyển đổi số quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. 

Theo TS. Lê Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT: Nhìn chung, để quá trình chuyển đổi số diễn ra có hiệu quả, thực chất đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bất cứ tổ chức nào cũng cần phải quan tâm đến các yếu tố sau: Quy trình công việc, hạ tầng cơ sở công nghệ, nguồn nhân lực. Chúng ta đã và đang chuyển đổi số trong giáo dục bằng hàng loạt giải pháp. Theo thống kê đã có 63 cơ sở giáo dục – đào tạo và 710 phòng giáo dục đào tạo đã triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho giáo dục. Trường Đại học Mở Hà Nội là một trong những đơn vị có uy tín trong đào tạo không chính quy của cả nước, đặc biệt là cơ sở giáo dục hàng đầu về giáo dục mở và từ xa. Nhà trường cũng phát triển được 88 Trạm liên kết đào tạo từ xa trải dài suốt từ Bắc xuống Nam với số lượng ngành đào tạo không chính quy lên đến 14 ngành đầy đủ các loại hình VHVL, từ xa truyền thống, từ xa trực tuyến.  Đây là những con số ấn tượng và chắc chắn là Trường Đại học Mở đã thực hiện chuyển đổi số thành công ở một mức độ nhất định để có thể đáp ứng được quy mô đào tạo và tuyển sinh như thế.

TS Lê Thị Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT ghi nhận những thành tựu trong giáo dục mở nói chung và đào tạo không chính quy nói riêng của Trường Đại học Mở Hà Nội. 

TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cho biết: Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT đã xác định: ứng dụng CNTT là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục, hỗ trợ đổi mới dạy – học, nghiên cứu khoa học triển khai trong toàn ngành. Hàng loạt chính sách thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục được ban hành, dần hoàn thiện hành lang pháp lý như các quy định ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng, quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học, quy định quản lý, vận hành sử dụng hệ thống CSDL toàn ngành, mô hình ứng dụng CNTT, chuẩn dữ liệu kết nối; hướng dẫn nhiệm vụ CNTT cho khối đại học hàng năm và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành khác. Giáo dục là một trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng sâu sắc của chuyển đổi số, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Thực tiễn 29 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Mở Hà Nội đã chứng minh năng lực và hướng đi đúng đắn; hiện thực hóa triết lý giáo dục "Mở cơ hội học tập cho mọi người".

TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Trao đổi tại Hội nghị, PGS TS Nguyễn Mai Hương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: Trước đây, các tác vụ được phân chia cho một đơn vị đầu mối thu nhận dữ liệu từ các đơn vị hoặc cá nhân được yêu cầu, do vậy, việc xử lý dữ liệu đầu vào / đầu ra giữa các khâu không thống nhất về định dạng dữ liệu nên sẽ tốn nhiều thời gian, công sức để xử lý. Tại thời điểm hiện tại, Nhà trường cũng đã cung cấp cho các đơn vị liên kết / trạm đào tạo địa phương công cụ cho phép sinh viên, cán bộ Trạm chủ động nhập dữ liệu lên trên hệ thống của Nhà trường. Qua đánh giá, hệ thống hoạt động ổn định, tiết kiệm được thời gian, công sức và giảm được sai sót trong quá trình nhập liệu. Hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến LMS của Nhà trường trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua cũng đáp ứng phục vụ được cho toàn bộ hệ đào tạo chính quy và không chính quy và vẫn đang tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện nhằm cung cấp một giao diện thân thiện và trải nghiệm học tập tốt nhất cho sinh viên. Các kênh hỗ trợ liên lạc cũng được thực hiện triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.

PGS. TS. Nguyễn Mai Hương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mở Hà Nội trao đổi tại Hội nghị

TS Trương Tiến Tùng – Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Nguyên Hiệu trưởng, Tổng Biên tập tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở Hà Nội – một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho việc chuyển đổi số các hoạt động của Nhà trường nhận định: Đối với bất cứ một cơ quan, tổ chức nào chuyển đổi số cũng đóng một vai trò quan trọng. Nếu quá trình chuyển đổi số được thực hiện tốt, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức mà một tổ chức hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho chính tổ chức cũng như các bên liên quan. Bản chất của chuyển đối số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.

TS Trương Tiến Tùng – Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Nguyên Hiệu trưởng, Tổng Biên tập tạp chí Khoa học Trường Đại học

Mở Hà Nội nhận định về quá trình chuyển đổi số trong Nhà trường

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được lắng nghe TS Trần Thị Lan Thu – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường Đại học Mở Hà Nội báo cáo “Phát triển đào tạo không chính quy dựa trên nền tảng công nghệ số tại Trường Đại học Mở Hà Nội”; GS TS Vũ Gia Hiền, Trường Trung cấp Âu Việt chia sẻ về công nghệ số tham gia vào công tác tuyển sinh không chính quy ở Trường Đại học Mở Hà Nội; PGS TS Mai Văn Lưu, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Trường ĐH Mở Hà Nội trình bày tham luận về Xu thế kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực thời kỳ 4.0; Việc phát triển tuyển sinh và đào tạo không chính quy dựa trên nền tảng công nghệ số tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Tỉnh Thái Bình được ThS Lê Văn Côn chia sẻ. 

Các đại biểu trình bày tham luận xoay quanh chủ đề của Hội nghị

Phát biểu tổng kết, TS. Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: Trong thời gian tới đây, Nhà trường đẩy mạnh hoàn thiện các hệ thống phần mềm quản lý đào tạo. Các quy trình sẽ được xử lý một cách tự động thay vì thủ công. Việc phân quyền khi được thực hiện chính xác trên bộ dữ liệu hoàn chỉnh sẽ giúp giảm thời gian chờ đợi, xử lý tại các khâu trung gian. Chuyển đổi số, lúc này, vừa đóng vai trò như chất xúc tác để hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, lại vừa  đồng thời đóng vai trò lưu trữ các minh chứng phục vụ đảm bảo chất lượng.

TS. Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu tổng kết hội nghị

Thông qua Hội nghị, Nhà trường và các đơn vị liên kết, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sư phạm đã tiến hành thảo luận và đưa ra được các giải pháp cụ thể, thiết thực để công tác chuyển đổi số trong Trường Đại học Mở Hà Nội, giữa Nhà trường và các đơn vị liên kết được thực hiện tốt, góp phần vào sự phát triển chung một cách bền vững.

Có được sự phát triển và khẳng định thương hiệu như ngày hôm nay nay, cùng với sự cố gắng không ngừng nghỉ của thầy và trò trường Đại học Mở Hà Nội là sự phối hợp chặt chẽ, uy tín của các cá nhân và đơn vị hợp tác đào tạo trên cả nước. Trong đó, Trường Đại học Mở Hà Nội đặc biệt ghi nhận và trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các cán bộ quản lý của đơn vị hợp tác đào tạo đã luôn ủng hộ và hỗ trợ để mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Mở Hà Nội và các đơn vị hợp tác đào tạo ngày một gắn bó và hoạt động hiệu quả hơn. Nhân dịp này, Trường Đại học Mở Hà Nội đã tri ân, khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong việc phối hợp tổ chức đào tạo không chính quy năm 2022.

PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội trao tặng giấy khen cho đại diện các đơn vị

Đã có nhiều đóng góp trong việc phối hợp tổ chức đào tạo không chính quy đạt hiệu quả cao

 

PGS TS Nguyễn Mai Hương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐT trường ĐH Mở Hà Nội tri ân các thầy, cô nguyên là lãnh đạo

các đơn vị liên kết, các trạm đào tạo từ xa có nhiều đóng góp cho công tác đào tạo hệ không chính quy của nhà trường

 

TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ trao Giấy khen cho đại diện các đơn vị

có nhiều đóng góp trong việc phối hợp tổ chức đào tạo không chính quy đạt hiệu quả

Một số hình ảnh của Hội nghị: