Công bố quốc tế vừa có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân nhà khoa học, vừa là một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp hạng trường đại học. Bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế sẽ khẳng định chất lượng công trình nghiên cứu, thước đo năng lực nghiên cứu, khả năng hội nhập của nhà khoa học.
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2019 của Trường Đại học Mở Hà Nội, ngày 06/4/2019, Nhà trường tổ chức Hội thảo về Công bố Quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, học viên sau đại học trong và ngoài Trường.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, tại trường Đại học Mở Hà Nội, song song với nhiều hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo, hoạt động công bố bài báo quốc tế đã được quan tâm, đầu tư. Nhà trường đưa ra các chính sách khen thưởng và hỗ trợ trực tiếp tác giả có bài viết công bố quốc tế; tổ chức tọa đàm, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm công bố quốc tế; hỗ trợ giảng viên tham gia các khóa đào tạo về phương pháp nghiên cứu tiên tiến và trang bị kỹ năng cho công bố nghiên cứu khoa học trên tạp chí, hội thảo quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Báo cáo tham luận của PGS.TS Phạm Thị Tâm – TP. QLKH&ĐN, Trường Đại học Mở Hà Nội chỉ rõ Thực trạng công bố khoa học của Nhà trường. Trong thời gian vừa qua, với chính sách hỗ trợ ngày một cao, cán bộ, giảng viên của Trường đã có thêm điều kiện và động lực để nghiên cứu và viết bài, gửi đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức đòi hỏi cán bộ, giảng viên cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể đạt chỉ tiêu số bài viết đăng trên kỷ yếu hội thảo quốc tế, tạp chí khoa học quốc tế như trong kế hoạch 2019 đã được Hiệu trưởng Nhà trường phê duyệt.
PGS.TS Phạm Thị Tâm trình bày tham luận “Thực trạng công bố khoa học của Trường ĐH Mở Hà Nội”
PGS.TS. Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc, Trường ĐH KHTN – ĐHQG Tp. HCM đã đến dự và tham luận với bài báo cáo: Hiểu đúng về công bố quốc tế. Với cách truyền đạt hăng say, tràn đầy cảm hứng, Thầy đã mang đến một bầu không khí sôi nổi cho Hội thảo. Các vấn đề: Thế nào là công bố quốc tế? Thế nào là tạp chí quốc tế? Tại sao nên công bố trên tạp chí quốc tế? Các loại tạp chí quốc tế khác nhau – tạp chí giả mạo, Các vấn đề về tiêu chuẩn tạp chí quốc tế và xếp hạng,…đã được thầy làm rõ.
PGS.TS. Phạm Văn Phúc truyền cảm hứng cho hội thảo khi trình bày tham luận Hiểu đúng về công bố quốc tế
PGS.TS. Lê Quốc Hội – TBT Tạp chí Kinh tế phát triển, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã chia sẻ kinh nghiệm tăng cường công bố quốc tế cho mỗi cá nhân, cũng như những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy phát triển công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội. Theo đó, để tăng cường công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội của Việt Nam, bên cạnh các chính sách nỗ lực của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu thì các nhà khoa học cần tăng cường tham gia các hoat động hợp tác quốc tế ở các cấp độ khác nhau; chủ động tham gia (khi có điều kiện) vào các hoạt động rộng hơn thuần túy trong vai trò tác giả. Ngoài ra, các tạp chí khoa học cần nâng cấp theo các tiêu chuẩn quốc tế (ACI, Scopus, ISI) và đẩy mạnh liên kết xuất bản quốc tế.
PGS.TS. Lê Quốc Hội chia sẻ kinh nghiệm tăng cường công bố quốc tế
TS. Nguyễn Hữu Cương – Cục QLCL, Bộ GD&ĐT nhận định: Công bố quốc tế nào cũng khó, nhưng đây là con đường tất yếu để các nhà khoa học Việt Nam vươn lên hội nhập với khoa học thế giới. Một giảng viên Đại học không thể tách rời nghiên cứu với giảng dạy. Để khuyến khích các đồng nghiệp có động lực NCKH, sống tốt bằng khoa học, Thầy đã chia sẻ một số kinh nghiệm viết bài và công bố khoa học quốc tế với các vấn đề: Cấu trúc một bài báo khoa học quốc tế; Những dấu hiệu nhận biết một bản thảo bài viết tốt; Quy trình xuất bản bài báo ISI/Scopus; Đối mặt với ý kiến của phản biện/tổng biên tập.
TS. Nguyễn Hữu Cương: Một giảng viên Đại học không thể tách rời nghiên cứu với giảng dạy
Với tinh thần thẳng thắn, Hội thảo đã thu hút được đông đảo các ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự. Các vấn đề được đặt ra chủ yếu tập trung ở việc đề xuất các cơ chế động viên, khuyến khích nhà khoa học, cán bộ, GV, học viên,…tham gia NCKH; hướng dẫn một số kỹ năng, kinh nghiệm viết bài công bố quốc tế; trao đổi về vấn đề đạo đức trong NCKH,…
Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Hội thảo với các tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các viện Nghiên cứu, các tạp chí danh tiếng, các trường Đại học và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đã giúp cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của Nhà trường hình dung rõ hơn con đường để công bố một bài báo khoa học quốc tế, những chướng ngại vật sẽ gặp phải và cách để vượt qua. Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu được thể hiện dưới những ví dụ sinh động thực tế trong tham luận của các thầy/cô báo cáo viên đã truyền cảm hứng cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của Nhà trường có thêm nghị lực để bắt đầu và đi dài, đi xa hơn trên con đường nghiên cứu khoa học.
Sau đây là một số hình ảnh của Hội thảo:
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà khoa học, sinh viên, học viên trong Nhà trường
Đại biểu tham dự Hội thảo tập trung nghiên cứu các vấn đề được trình bày trong các bản báo cáo
Khách mời cùng nhau trao đổi các vấn đề liên quan đến công bố quốc tế
TS. Nguyễn Thị Vân Đông – P. QLKH&ĐN cảm ơn sự tham gia của các vị khách quý và các đại biểu tham dự Hội thảo
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Phó Hiệu trưởng Nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng các báo cáo viên
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm