Ngày 31/10, Câu lạc bộ khối đào tạo du lịch (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Phát triển chương trình đào tạo du lịch phù hợp cơ chế đặc thù tại các trường đại học – cao đẳng Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội; Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội; PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối đào tạo du lịch, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục có đào tạo khối ngành Du lịch trên toàn quốc.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối đào tạo du lịch, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở
Hà Nội phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối đào tạo du lịch chia sẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch. Tuy vậy, có một thực tế là một số cơ sở giáo dục đang khá lúng túng trong việc thực hiện các văn bản này. Ngay cả đơn vị đào tạo lâu năm và có uy tín, thương hiệu như Trường Đại học Mở Hà Nội cũng cần “đồng đội” để chia sẻ kinh nghiệm, cùng tìm ra tiếng nói chung trong cách triển khai cơ chế này. Đặc biệt, qua hội thảo cũng sẽ tìm ra phương án kết nối Nhà trường – Doanh nghiệp hiệu quả để hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và cung ứng “đầu ra” cho sinh viên.
Đại biểu phát biểu thảo luận tại Hội thảo
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết, hiện du lịch đang trở thành nền công nghiệp lớn nhất, giá trị của ngành du lịch đầu ra đã chiếm đến 10.000 tỷ USD/năm và chiếm số lượng lớn nguồn nhân lực. Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, cùng với sự phát triển bùng nổ của ngành du lịch thì nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành nào cũng tăng đột biến. Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cũng dẫn lại câu chuyện về sự phát triển, thu hút khách du lịch của phố cổ Hội An. Trong đó, có chứa đựng nhiều bài học về đào tạo con người làm du lịch, giữ gìn văn hóa, bố trí nền kiến trúc du lịch…
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung thay mặt Câu lạc bộ khối đào tạo du lịch tặng hoa cảm ơn Lãnh đạo Hiệp hội
các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và đơn vị đăng cai tổ chức
Tiến sĩ Vũ An Dân – Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Du lịch, Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ, phương châm đào tạo của Khoa là: “Chất lượng – Thực tiễn – Dễ học”. Để sinh viên có thể đảm bảo đủ kiến thức và kỹ năng, ra trường có thể tự tin tham gia vào thị trường lao động, Khoa tập trung vào việc triển khai các chương trình thực hành thực tế tại các khách sạn 4 sao – 5 sao hay các công ty lữ hành ngay từ năm đầu tiên. Lực lượng cựu sinh viên của Trường đang nắm giữ các vai trò quan trọng tại các khách sạn, công ty lữ hành này là cầu nối hiệu quả cho mối quan hệ của Nhà trường và doanh nghiệp.
TS Vũ An Dân – Phó trưởng Khoa Phụ trách Khoa Du lịch chia sẻ tại Hội thảo
TS Vũ An Dân cho biết, bình quân hàng năm Khoa tuyển khoảng 250-300 sinh viên, quy mô đào tạo trong Khoa luôn duy trì khoảng 1200 sinh viên. Chỉ tính trong kỳ tuyển sinh năm 2019 vừa qua, dù đăng ký 250 chỉ tiêu nhưng Khoa đã có tới 2642 hồ sơ đăng ký. Trong những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm luôn đạt tỷ lệ từ 95%-97%. Nhiều sinh viên được đào tạo và trưởng thành từ Khoa đã trở thành những cán bộ chủ chốt trong các doanh nghiệp. Thành công của Khoa Du lịch còn có thể thấy qua các chương trình ký kết, hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp như khách sạn Hà Nội Daewoo, tập đoàn FLC, Công ty Du lịch Vietnamtourism-Hà Nội, Tổng công ty Du lịch Hà Nội – Hanoitourist…
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực đào tạo du lịch cũng đã chia sẻ thêm nhiều giải pháp nhằm gắn đào tạo du lịch với các doanh nghiệp du lịch, tăng cường mối liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực. Từ việc nêu ra những thách thức trong đào tạo du lịch, các chuyên gia cũng đã đề ra những giải pháp, phương hướng nhằm tối ưu hóa mô hình liên kết nhà trường – doanh nghiệp.