Ngày 27/5, Khoa Tiếng Trung Quốc – Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề Đổi mới phương pháp dạy và học phiên dịch thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo”. Chương trình nhận được sự quan tâm tham dự của các diễn giả khách mời trong và ngoài trường cùng các cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Tiếng Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Ánh Nguyệt – Trưởng Khoa Tiếng Trung Quốc đánh giá: Tọa đàm “Đổi mới phương pháp dạy và học phiên dịch thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo” là diễn đàn trao đổi chuyên sâu, cập nhật xu hướng và giải pháp đổi mới trong đào tạo phiên dịch trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI). Toạ đàm hướng đến việc đánh giá tác động của AI đến kỹ năng phiên dịch, từ đó đề xuất các phương pháp giảng dạy và học tập sáng tạo, giúp người học thích ứng với công nghệ mới. Toạ đàm tập trung thảo luận về việc tích hợp công cụ AI vào quá trình đào tạo, nâng cao năng lực ngôn ngữ và kỹ năng phiên dịch trong bối cảnh tự động hóa. Đồng thời, toạ đàm khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia, giảng viên, nhằm thúc đẩy sự kết hợp hài hòa giữa kỹ năng con người và công nghệ AI, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo phiên dịch, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện đại.

TS. Trần Thị Ánh Nguyệt – Trưởng Khoa phát biểu khai mạc

Trong phần chia sẻ tại tọa đàm, TS. Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội đánh giá cao sáng kiến tổ chức sự kiện của Khoa Tiếng Trung Quốc, đồng thời khẳng định nhà trường luôn ủng hộ các hoạt động học thuật hướng tới cập nhật và thích ứng với các thành tựu khoa học – công nghệ mới. khẳng định tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ AI đang thay đổi nhanh chóng cách con người tiếp cận và xử lý thông tin. Bà nhấn mạnh: “Việc tích hợp AI vào giảng dạy, học tập, phiên dịch là xu hướng tất yếu, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu về sự sáng tạo và linh hoạt trong thiết kế chương trình đào tạo”.

TS. Nguyễn Minh Phương Phó Hiệu trưởng chia sẻ tại buổi tọa đàm

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các diễn giả, báo cáo viên đã trình bày 05 tham luận:

1. TS. Trần Thị Ánh Nguyệt trình bày tham luận: Phương pháp dạy và học phiên dịch thích ứng với sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo.

2. TS. Đỗ Minh Hoàng (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận: Thiết kế học liệu và tổ chức dạy học môn Phiên dịch theo định hướng phát triển kỹ năng nghề nghiệp trong bối cảnh AI.

3. TS. Nguyễn Thị Luyện (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận: Ứng dụng AI trong dịch thuật Trung Việt.

4. TS. Nguyễn Đại Cồ Việt (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày tham luận: Học tập qua chiêm nghiệm từ trải nghiệm thực tế phiên dịch.

5. ThS. Trần Thị Ngọc Mai (Trường Đại học Mở Hà Nội) trình bày tham luận: Ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược kết hợp công cụ ChatGPT trong giảng dạy môn Phiên dịch tại Trường Đại học Mở Hà Nội.

TS. Nguyễn Thị Luyện – Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận  

Các bài tham luận đều có sự tham gia thảo luận, phân tích, đánh giá các nội dung được trình bày một cách khách quan và từ kinh nghiệm thực tế của các diễn giả với trình độ chuyên môn cao. Các báo cáo đều có những góc nhìn mới, áp dụng những phương pháp nghiên cứu, giảng dạy, học tập hiện đại có tích hợp các công cụ AI trong chuyên ngành Biên phiên dịch, trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất có giá trị cao, phù hợp với định hướng đào tạo của Khoa Tiếng Trung Quốc.

ThS. Nguyễn Huyền Ngọc trao đổi, thảo luận tại buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận về phương pháp tổ chức, triển khai và đánh giá năng lực ứng dụng AI trong học tập và thực hành phiên dịch, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phiên dịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời mong muốn, trong thời gian tới các đại biểu tiếp tục chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và đóng góp ý kiến, qua đó góp phần giúp Khoa Tiếng Trung Quốc nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu người học trong bối cảnh công nghệ số.

Hình ảnh các đại biểu chụp hình lưu niệm  

Kết luận tọa đàm, TS. Trần Thị Ánh Nguyệt – Trưởng khoa gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các chuyên gia, các nhà khoa học, các giảng viên đã dành thời gian đến dự và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu, bổ ích. Đây sẽ là cơ sở giúp cho Khoa Tiếng Trung Quốc tham khảo trong quá trình giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập phiên dịch thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), phù hợp với hướng phát triển khoa học của Khoa Tiếng Trung Quốc trong thời gian tới.