26/05/2022 Quản trị viên Tin tức - Sự kiện Lượt xem: 1301 Ngày 26/5, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế "Đảm bảo chất lượng trong trường đại học ảo và đại học số – Chính sách và thực tiễn" với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu khai mạc Phát biểu tại chương trình, TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng nhiệt liệt hoan nghênh và gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ các hiệp hội, các trường đại học trong nước và quốc tế đã tham dự Tọa đàm và cho biết: Thế giới và Việt Nam đang chứng kiến những sự thay đổi vượt bậc trong thời đại công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự phát triển này đã và đang tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội của các quốc gia, trong đó, giáo dục đại học là lĩnh vực chịu sự tác động lớn nhất, đòi hỏi các trường đại học cần phải thay đổi mục tiêu, nội dung giáo dục, phương pháp dạy và học. Việc dạy học trực tuyến, cùng với các công cụ hỗ trợ cho giảng dạy của thời đại công nghệ số đã và đang thay đổi lớn đến tình hình dạy và học tại các trường đại học, giúp hiện đại hoá giáo dục, hội nhập với quốc tế. “Trường Đại học Mở Hà Nội với kinh nghiệm và năng lực tổ chức đào tạo trực tuyến đã được ghi nhận, trong khuôn khổ Toạ đàm này, chúng tôi hy vọng rằng với kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai mạnh mẽ các mô hình, các yêu cầu đảm bảo chất lượng của đại học ảo và đại học số trong khu vực, cùng với sự nhận diện thực trạng, cơ hội, thách thức trong nước, chúng ta sẽ có được định hướng cho riêng mình trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục đại học của quốc gia”, TS Nguyễn Minh Phương nhấn mạnh. Chương trình tọa đàm xoay quanh 04 nội dung: Chính sách, cơ chế tổ chức và quản lý đối với trường đại học ảo và đại học số; Một số mô hình trường đại học ảo, đại học số và thực tiễn quá trình hình thành và phát triển; Các điều kiện đảm bảo chất lượng cho đại học ảo và đại học số; Kinh nghiệm quản lý và triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của trường đại học ảo và đại học số. Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trong nước và quốc tế trình bày 05 tham luận với những góc nhìn mới mẻ với lập luận khoa học trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn triển khai tại các cơ sở giáo dục. Giáo sư Goosoon Kwon đến từ Đại học ảo Seoul, Hàn Quốc trình bày tham luận "Tiêu chí và điều kiện để thành lập trường đại học ảo tại Hàn Quốc" Giáo sư Tian Belawati đến từ Đại học Tebuka, Indonesia trình bày tham luận "Đảm bảo chất lượng trong trường đại học ảo và đại học số – Chính sách và thực tiễn" Ông Glen – Giám đốc Trải nghiệm học thuật và Thành công, trường Đại học RMIT trình bày tham luận "Mô hình đại học số ở các trường đại học quốc tế và yêu cầu đảm bảo chất lượng" TS Đặng Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo trực tuyến, Trường Đại học Mở Hà Nội trình bày tham luận "Đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến, hướng tới mô hình đại học số tại Trường đại học Mở Hà Nội" TS Phan Thị Ngọc Thanh – Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận "Cơ hội và thách thức trong việc thành lập trường đại học ảo và đại học số tại Việt Nam" TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng, TS Đặng Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo trực tuyến và Ông Glen – Giám đốc Trải nghiệm học thuật và Thành công, trường Đại học RMIT điều hành phiên thảo luận Đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội trường Các bài tham luận đều có sự tham gia thảo luận, phân tích của các chuyên gia trong nước và quốc tế với nhiều giải pháp có chất lượng cao, thể hiện nội dung sâu sắc về lý luận và thực tiễn giúp các tác giả định hướng và hoàn thiện những nội dung nghiên cứu với hoạt động đảm bảo chất lượng trong trường đại học ảo và đại học số – chính sách và thực tiễn. TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng phát biểu kết luận Tọa đàm Phát biểu kết luận, TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng đánh giá cao kết quả của buổi tọa đàm và đặc biệt ghi nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp của các chuyên gia xoay quanh một số nội dung trọng tâm như: Giáo dục và đào tạo không thể đứng ngoài xu thế và những thay đổi trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thế giới, lựa chọn mô hình hoạt động nào để người dân được tiếp cận thuận lợi nhất với giáo dục đại học là trách nhiệm của chúng ta. Tuy vậy, việc hình thành đại học số cần được thực hiện theo lộ trình và cần có các mô hình thí điểm tiên phong, từ đó tổng kết, đánh giá để hình thành thể chế, chính sách; có sự quan tâm và hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý để mô hình hoạt động này đảm bảo nguyên lý phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo, đảm bảo chất lượng và thích ứng linh hoạt; Mỗi trường đại học trong bối cảnh chuyển dổi số cần có những định hướng, chính sách của riêng mình; thay đổi nhận thức và phương thức tổ chức đào tạo trên nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, thiết lập quy trình quản lý, quản trị; hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng trong tổ chức, vận hành đào tạo trên nền tảng số; Để tiếp cận với vấn đề mới mẻ như việc phát triển đại học thông minh, chúng ta cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hạ tầng công nghệ để xây dựng môi trường số toàn diện và đầy đủ cho mọi hoạt động diễn ra thuận lợi, hiệu quả, chất lượng; đồng thời bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực có năng lực số, trở thành những nhà lãnh đạo số, cán bộ quản lý số, giảng viên số, người học số. Hình ảnh Ban tổ chức và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Toạ đàm qua hình thức trực tuyến “Với khát vọng đổi mới giáo dục đại học, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ nắm bắt tốt nhất mọi cơ hội để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, trên nền tảng công nghệ thông tin hướng tới một hệ sinh thái đại học số ở Việt Nam”, TS Dương Thăng Long bày tỏ. Print Share Tweet Pin