Sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong chúng ta nguồn tri thức vô tận. Dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao đẹp. Có thể nói sách là những người bạn gần gũi chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của mỗi người. Đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết không thể thiếu cho dù xã hội có phát triển đến đâu. Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học và đọc sách là một trong những cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của việc hình thành văn hóa đọc.
Sự bài trí công phu, bắt mắt với phong phú các đầu sách, sắp xếp theo từng chủ đề của sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách.
Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội hứng thú tạo hình với những cuốn sách
Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
Để hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội đã lên kế hoạch và triển khai những hoạt động thiết thực để chào mừng. Hiện nay, hệ thống thư viện bao gồm 8 thư viện mini, 1 thư viện trung tâm với 5 cán bộ chuyên trách và 7 cán bộ kiêm nhiệm thư viện khoa. Việc trưng bày mô hình sách, sắp xếp bố trí không gian đọc sách, trang trí thư viện được các đơn vị tiến hành nghiêm túc, đồng loạt tạo được hiệu ứng lan toả tinh thần của Ngày Hội Sách. Các thông tin hoạt động đồng thời còn được đăng tải trên các fanpage, website của các đơn vị tổ chức đào tạo. Qua đó giới thiệu tới toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên về hệ thống tiện ích của thư viện Trường.
Trong thời đại 4.0, nguồn tin tri thức không chỉ đến từ trang giấy hay các vật mang tin truyền thống mà còn mở rộng trên các không gian mạng. Nắm bắt được xu thế và đặc thù của Nhà trường, Thư viện đang dần từng bước đầu tư nguồn tài nguyên số để phục vụ trực tuyến cho đông đảo bạn đọc. Bên cạnh đó, thư viện cũng tham gia chia sẻ nguồn tài nguyên giữa các đơn vị thư viện trong nước và ngoài nước để làm giàu, phong phú hơn các nguồn tin có chất lượng. Đây là định hướng phát triển chung của thế giới, không chỉ của Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội.
Sự đầu tư về chất lượng những người làm công tác thư viện cũng luôn được quan tâm chú trọng. Cán bộ thư viện thường xuyên được cử tham gia các cuộc hội thảo, tập huấn, toạ đàm, chia sẻ kinh nghiệm để học hỏi bài học từ các đơn vị bạn.
Nối tiếp thành tích của hai năm 2020, 2021 và thu hút hơn nữa sự quan tâm của bạn đọc tới các hoạt động thư viện, Nhà trường đã phát động cuộc thi “Đại sứ Văn hoá đọc HOU” năm 2022. Đây là cuộc thi do Bộ VHTT&DL tổ chức trên quy mô toàn quốc. Cuộc thi thu hút đông đảo thí sinh là cán bộ giảng viên sinh viên tham gia và đã đạt được các thành tích đáng ghi nhận cấp Trường cũng như cấp Bộ.
(Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội)