Ngày 16/11, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng”. Sự kiện này không chỉ là dịp để các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) trao đổi, chia sẻ kiến thức, mà còn tạo ra cơ hội cho các sinh viên ngành Công nghệ thông tin (CNTT) hiểu rõ hơn về thách thức và tiềm năng phát triển trong thời đại của AI.
TS. Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo phát biểu
Hội thảo có sự chủ trì của TS. Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo. Đến tham dự còn có TS. Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các chuyên gia và nhà quản lý đầu ngành đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu uy tín trên địa bàn thành phố Hà Nội và khu vực. Các đại biểu đã được lắng nghe và trao đổi xung quanh nhiều bài tham luận quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc khai thác các cơ hội và giải quyết thách thức của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục và xã hội.
Định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo trong giáo dục
TS Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ “Định hướng phát triển nguồn nhân lực Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam”
Trong phần đầu của hội thảo, một trong những tham luận nổi bật là “Giới thiệu định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo của TS. Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tham luận đã nêu rõ chiến lược và các chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng Ai trong giáo dục. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo ngày nay không chỉ hỗ trợ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang kỳ vọng xây dựng một nền tảng vững chắc về AI, giúp sinh viên tiếp cận sớm và sâu hơn với công nghệ, trang bị cho sinh viên những kỹ năng phù hợp trong thời đại công nghệ số.
Thách thức và cơ hội cho sinh viên ngành CNTT
PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC chia sẻ “AI – Thách thức và cơ hội cho sinh viên ngành CNTT”
Một trong những chủ đề thu hút sự chú ý lớn từ các đại biểu đó là vấn đề về thách thức và cơ hội đối với sinh viên ngành CNTT trong kỷ nguyên của AI. Theo các chuyên gia, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên, bao gồm khả năng hợp tác với các chuyên gia đa ngành, cơ hội khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao, làm việc với dữ liệu lớn (big data), và tham gia vào các dự án phát triển sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội này, sinh viên cần nắm vững kiến thức nền tảng về toán học, lập trình, cũng như các kỹ năng xử lý dữ liệu.
Thách thức lớn hiện nay là bài toán về thiếu nhân lực AI được đào tạo bài bản. Thực tế cho thấy, mặc dù nhu cầu nhân lực AI rất cao, nhưng số lượng các chuyên gia có đủ kiến thức và kỹ năng vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các chuyên gia AI đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu thị trường, và đặc biệt là các vị trí liên quan đến xử lý dữ liệu, thiết kế mô hình và tối ưu hóa hệ thống.
Gen AI và ứng dụng hỗ trợ trong giáo dục
Đại biểu tham dự Hội thảo trực tiếp tại Hội trường
Hội thảo cũng giới thiệu về Gen AI – công cụ trí tuệ nhân tạo thế hệ mới – với các ứng dụng hỗ trợ mạnh mẽ cho người dạy và người học. Gen AI có thể giúp giảng viên soạn bài giảng, ra đề thi, chấm bài, cũng như nghiên cứu và hỗ trợ người học thông qua các bài tập và đề án có tính tương tác cao. Ứng dụng Gen AI trong giáo dục không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn giải phóng thời gian cho giảng viên, giúp họ tập trung vào các công việc nghiên cứu chuyên sâu hơn.
Ứng dụng AI trong các lĩnh vực thực tế
PGS.TS Đỗ Năng Toàn – nguyên Viện trưởng Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe”
Ngoài giáo dục, hội thảo còn giới thiệu về các ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong nhiều lĩnh vực khác. Các chuyên gia đã chia sẻ về thành quả của AI trong y tế, chẳng hạn như hệ thống hỗ trợ khám bệnh dựa trên dữ liệu hình ảnh và chẩn đoán chính xác cao, giúp giảm tải cho đội ngũ y tế và tối ưu hóa quy trình chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, AI cũng được ứng dụng trong giao thông, với các hệ thống quản lý và điều khiển thông minh giúp giảm ùn tắc giao thông và cải thiện an toàn cho người tham gia giao thông. Các ứng dụng như ChatGPT cũng là một minh chứng rõ nét cho sự tiến bộ của AI, hỗ trợ nhiều trong công việc và đời sống hằng ngày của con người.
Nhân lực AI – Thị trường và thách thức trong tuyển dụng
TS Đinh Tuấn Long – Trưởng Khoa CNTT Trường ĐH Mở Hà Nội trao đổi về “Tác động của Trí tuệ nhân tạo đối với một số lĩnh vực trong giai đoạn hiện nay”
Với sự bùng nổ của AI, thị trường lao động dành cho nhân lực AI cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Theo thống kê, mức lương trung bình của các chuyên gia AI nằm trong top đầu hiện nay, nhưng nhu cầu về nhân lực AI được đào tạo bài bản vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực có kiến thức chuyên sâu về toán học, thuật toán, và xử lý dữ liệu. Điều này cho thấy, để đáp ứng nhu cầu nhân lực AI trong tương lai, các cơ sở đào tạo cần điều chỉnh chương trình giảng dạy để cung cấp kiến thức chuyên môn phù hợp, đồng thời khuyến khích sinh viên phát triển tư duy toán học và kỹ năng làm việc với dữ liệu.
Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng” tại Trường Đại học Mở Hà Nội đã khẳng định vai trò quan trọng của AI trong tương lai và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao. Để khai thác tối đa tiềm năng của AI, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, trường đại học và doanh nghiệp là yếu tố quyết định. Đây cũng là lời kêu gọi và thách thức đối với các sinh viên hiện nay cần nâng cao trình độ, kỹ năng, chuẩn bị tốt hơn cho những cơ hội nghề nghiệp đầy hứa hẹn trong thời đại công nghệ số.