TÊN NGÀNH: KẾ TOÁN
MÃ NGÀNH: 7340301
KHOA: KINH TẾ
Website: http://kinhte.hou.edu.vn/
Tư vấn, giải đáp thắc mắc tại đây
Ngành Kế toán nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm cần thiết để vận dụng thành thạo các nguyên tắc kế toán cơ bản, luật, chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế, chế độ kế toán Việt Nam vào thực tiễn công tác kế toán.
Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng ứng dụng, trang bị cho người học các kiến thức nền tảng về kinh tế, kiến thức chuyên sâu về kế toán tài chính, kế toán quản trị, kiểm toán, thuế, tổ chức công tác kế toán…; kỹ năng thực hành thành thạo về chuyên môn; tư duy logic, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, năng lực số nhằm thích ứng nhanh với môi trường hội nhập trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Sinh viên ngành Kế toán được trang bị nhóm kiến thức sau:
-
Kiến thức ngành bao gồm cơ sở lý luận và thực tiễn về khoa học kinh tế (kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, kinh tế phát triển), khoa học quản trị, khoa học tài chính – tiền tệ…và những công cụ đo lường và phân tích kinh tế;
-
Các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành cũng như kiến thức chuyên sâu về kế toán tài chính, kế toán hành chính sự nghiệp, kế toán quản trị, kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ/kế toán công ty, kế toán ngân hàng, kế toán quốc tế, kế toán thuế, kiểm toán căn bản, phân tích hoạt động kinh doanh, phân tích tài chính, tổ chức công tác kế toán…
-
Khối kiến thức bổ trợ nhằm giúp SV có kiến thức tổng hợp, toàn diện và cập nhật về chuyên môn nghề nghiệp, đặc biệt là toán học, tin học vào công tác quản trị như điều khiển học kinh tế, thương mại điện tử, kỹ năng mềm….
-
Triển vọng nghề nghiệp
Kế toán là bộ phận không thể thiếu ở tất cả các đơn vị tổ chức. Vì vậy thị trường việc làm của nghề Kế toán rất lớn và rộng mở với sinh viên tốt nghiệp ngành này. Hãy làm một phép tính nhỏ: Mỗi năm, nước ta sẽ có khoảng 40.000 doanh nghiệp mới được thành lập, mỗi doanh nghiệp cần từ 1-3 kế toán viên thậm chí là nhiều hơn…
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giai đoạn 2017-2021
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
Ngoài các doanh nghiệp trong nước, sinh viên ngành kế toán sau khi ra trường còn có thể làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài hoặc đơn vị công – các đơn vị hoạt động không vì lợi nhuận như: các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện… Vậy nên, chắc chắn cơ hội việc làm ở ngành này là không hề nhỏ, miễn sao sinh viên phải thực sự có năng lực, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
-
Các cơ hội việc làm khi sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán
Với các kiến thức về chuyên môn, cùng các kỹ năng được đào tạo tại Khoa Kinh tế Trường Đại học Mở Hà Nội, bạn có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau như:
– Kế toán trưởng :
+ Là người chịu trách nhiệm trước lãnh đạo công ty về tất cả hoạt động của phòng do mình phụ trách, nắm được toàn bộ tình hình tài chính của công ty để tham mưu cho giám đốc ra các quyết định về chính sách và kế hoạch tài chính của công ty.
+ Có trách nhiệm quản lý chung, kiểm soát mọi hoạt động có liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán.
+ Là người trực tiếp tổ chức và giám sát quá trình lập ngân quỹ vốn.
+ Là người trực tiếp giám sát, theo dõi các nguồn vốn được tài trợ, quản trị khoản mục tiền mặt của công ty, quan hệ với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các định chế tài chính khác.
– Kế toán tổng hợp :
+ Tập hợp các số liệu từ kế toán chi tiết tiến hành hạch toán tổng hợp, lập các báo biểu kế toán, thống kê, tổng hợp theo quy định của nhà nước và Công ty.
+ Kiểm tra, tổng hợp báo cáo của các chi nhánh, đơn vị thành viên, đảm bảo tính chính xác, kịp thời phục vụ cho công tác phân tích tình hình hoạt động kinh doanh toàn Công ty.
+ Kiểm tra, kiểm soát, giám sát, tự kiểm tra nội bộ, hậu kiểm tình hình hoạt động tài chính của chi nhánh, kiểm tra việc chấp hành các quy định ghi chép sổ sách, chứng từ quản lý tiền hàng.
+ Kiểm tra nội dung, số liệu, định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh hằng ngày của các kế toán phần hành thực hiện trên máy, để phát hiện và hiệu chỉnh kịp thời các sai sót ( nếu có) về nghiệp vụ hạch toán, đảm bảo số liệu chính xác, kịp thời.
+ Lập, in các báo cáo tổng hợp, báo cáo chi tiết các tài khoản, bảng cân đối tài khoản, báo cáo cân đối tiền hàng theo đúng quy định.
+ Phối hợp kiểm tra các khoản chi phí sử dụng theo kế hoạch được duyệt, tổng hợp phân tích chỉ tiêu sử dụng chi phí, doanh thu của công ty bảo đảm tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn.
+ Hướng dẫn nghiệp vụ cho các phần hành kế toán của công ty và các chi nhánh trong công tác xử lý số liệu, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh để thực hiện tốt phần hành kế toán được phân công. Kiểm tra, hiệu chỉnh nghiệp vụ cho các kế toán viên nắm rõ cách thức hạch toán đối với các phát sinh mới về nghiệp vụ hạch toán kế toán.
+ Thực hiện công tác lưu trữ số liệu, sổ sách, báo cáo liên quan đến phần hành phụ trách đảm bảo an toàn, bảo mật.
– Kế toán thanh toán :
+ Lập chứng từ thu- chi cho các khoản thanh toán của công ty đối với khách hàng và các khoản thanh toán nội bộ. Phản ánh vào các sổ sách liên quan đến phần hành kế toán hàng ngày và đối chiếu với sổ quỹ
+ Kiểm tra tồn quỹ tiền mặt, tiền gửi ngân hàng của công ty hàng ngày và cuối tháng.Theo dõi các khoản tạm ứng.
+ Tiếp nhận các chứng từ thanh toán và kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của chứng từ
+ Cập nhật các quy định nội bộ về tiền đang chuyển, tiền gửi ngân hàng.
+ Kiểm tra, tổng hợp quyết toán toàn công ty về tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển, các khoản tạm ứng, lương, BHXH, BHYT, chênh lệch tỷ giá.
+ Thực hiện lưu trữ chứng từ, sổ sách, các công văn, quy định có liên quan vào hồ sơ nghiệp vụ.
– Kế toán công nợ:
+ Có nhiệm vụ theo dõi các khoản công nợ phải thu, phải trả của khách hàng. Lập danh sách khoản nợ của các công ty, đơn vị khách hàng để sắp xếp lịch thu, chi trả đúng hạn, đúng hợp đồng, đúng thời hạn, đôn đốc, theo dõi và đòi các khoản nợ chưa thanh toán.
+ Phân tích tình hình công nợ, đánh giá tỷ lệ thực hiện công nợ, tính tuổi nợ.
+ Kiểm tra công nợ phải thu, phải trả của công ty.
+ Thực hiện lưu trữ các chứng từ, sổ sách, các công văn quy định có liên quan vào hồ sơ nghiệp vụ.
– Kế toán Tài sản cố định – Công cụ, dụng cụ
+ Nhận xét sơ bộ về các chứng từ mua sắm tài sản cố định (TSCĐ), công cụ, dụng cụ.
+ Tiếp nhận, kiểm tra, tổng hợp các báo cáo kiểm kê định kỳ TSCĐ, công cụ, dụng cụ và các báo cáo các biến động TSCĐ hàng tháng.
+ Tính, trích khấu hao TSCĐ và phân bổ giá trị công cụ, dụng cụ định kỳ hàng tháng.
+ Quản lý về mặt giá trị, theo dõi biến động tăng, giảm, hạch toán khấu hao, phân bổ giá trị công cụ, dụng cụ tại các bộ phận, phòng ban trực thuộc công ty và chi nhánh
– Kế toán vật tư – sản phẩm – hàng hoá – tiêu thụ :
+ Theo dõi tình hình nhập –xuất – tồn kho vật tư, sản phẩm, hàng hoá về mặt số lượng và giá trị tại các kho của công ty.
+ Định kỳ đối chiếu số lượng với thủ kho và lập bảng tổng hợp nhập- xuất – tồn kho sản phẩm, vật tư, hàng hoá vào cuối tháng.
+ Theo dõi tình hình tăng, giảm, tồn kho các loại vật tư.
– Kế toán doanh thu – tiêu thụ :
+ Theo dõi số lượng hàng hoá, sản phẩm, lao vụ, dịch vụ đã được xác định tiêu thụ.
+ Doanh thu phải được theo dõi chi tiết cho từng loại hình kinh doanh kể cả doanh thu bán hàng nội bộ. Trong từng loại doanh thu phải chi tiết cho từng loại sản phẩm, lao vụ, dịch vụ nhằm phục vụ cho việc xác định đầy đủ, chính xác kết quả kinh doanh theo yêu cầu quản lý tài chính và lập báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty.
– Thủ quỹ :
+ Hàng ngày, căn cứ vào phiếu thu, phiếu chi, thủ quỹ tiến hành thực thu, thực chi và cập nhật vào sổ quỹ tiền mặt số tiền thu , chi trong ngày.
+ Cuối ngày chuyển sổ quỹ qua kế toán thanh toán để đối chiếu và lập báo cáo tồn quỹ tiền mặt.
– Cán bộ giảng dạy và nghiên cứu về Kế toán tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc các Viện, cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành.
-
Ngành kế toán – Trường Đại học Mở Hà Nội có gì nổi bật?
Sinh viên hào hứng tham dự cuộc thi “Đấu trường Kế toán”
Chương trình đào tạo ngành Kế toán sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng, năng lực cần thiết để vận dụng thành thạo các nguyên tắc kế toán cơ bản, luật, chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế, chế độ kế toán Việt Nam vào thực tiễn công tác kế toán.
Đặc biệt, hàng năm sinh viên sẽ được tới các doanh nghiệp để tham quan và học tập thực tế (Job Tour), tham gia các hoạt động ngoại khóa (phát triển kỹ năng nghề nghiệp, thực hành nghề kế toán…) để hiểu rõ nghề nghiệp và tích lũy kiến thức, kỹ năng.
Công tác hướng nghiệp cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm cuối, được chú trọng thông qua việc thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo hướng nghiệp (Opening Day) với sự tham gia của nhà tuyển dụng. Sinh viên được tham gia những dự án, hoạt động nghiên cứu khoa học cùng các giảng viên, các hoạt động văn thể mỹ và các câu lạc bộ (CLB Kế toán, CLB Logistics, CLB TMĐT, CLB truyền thông – sự kiện, Econ club….) để phát triển toàn diện.
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI NGÀNH KẾ TOÁN
KHOA KINH TẾ – TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI