• Nhà B101, phố Nguyễn Hiền, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội

  • 024 38682321/ Email: mhn@hou.edu.vn

6
6

Tin tức - Sự kiện

Hội thảo Quốc gia với chủ đề Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập

Lượt xem: 2413    13/05/2024

Ngày 13/5, Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

PGS TS Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu chỉ đạo tại chương trình

Phát biểu chỉ đạo, PGS TS Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá chủ đề Hội thảo rất thiết thực và có tính thời sự cao, thiết thực cả về nội dung chuyên môn, đồng thời thể hiện sự gắn kết giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nghiên cứu, hỗ trợ và phục vụ cộng đồng. Đây là diễn đàn để các quý vị đại biểu, các nhà khoa học, các bên liên quan cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện công tác chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo,  tạo cơ hội học tập bình đẳng của người dân ở các vùng miền, thúc đẩy học tập suốt đời của xã hội và cá nhân. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhìn nhận các vấn đề, thực trạng, các yêu cầu từ thực tiễn để làm cơ sở xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức vai trò của chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định: Chuyển đổi số trong giáo dục đã đang diễn ra mạnh mẽ, với mục tiêu tận dụng tiến bộ của công nghệ trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục và xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số.

“Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Điều này đòi hỏi triển khai hiệu quả hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số một cách phù hợp, thực chất và hiệu quả. Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đòi hỏi người lao động phải có năng lực số. Nhà trường chính là nơi đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực thiết yếu đó. Và mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu. Điều này, đặt ra yêu cầu đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên và các thiết chế văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn đến các đồng chí Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Lãnh đạo Hội khuyến học Việt Nam, Lãnh đạo Hội truyền thông số, Lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng Việt nam, lãnh đạo các đơn vị quản lý nhà nước của hai Bộ, lãnh đạo các cơ sở giáo dục, các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ, giảng viên đã dành thời gian, tâm huyết đến tham dự Hội thảo và cho biết: Với mục tiêu góp phần thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện công tác chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục mở để tạo cơ hội học tập bình đẳng của người dân, thúc đẩy học tập suốt đời của từng cá nhân và toàn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế - Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp, đồng tổ chức Hội thảo Quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.

 

“Chuyển đổi số trong các lĩnh vực vừa là nhu cầu, vừa là yêu cầu, và là vấn đề không mới, thậm chí được đề cập ở khá nhiều diễn đàn. Hội thảo ngày hôm nay cũng bàn về vấn đề thời sự đó nhưng chỉ  tập trung vào chuyển đổi số trong giáo dục, trọng tâm là chuyển đổi số trong giáo dục mở, như thực trạng về hạ tầng, nền tảng công nghệ trong quản lý, quản trị, tác nghiệp, vận hành; thực trạng trong công tác xây dựng, quản lý chất lượng, chia sẻ tài nguyên giáo dục, học liệu mở phục vụ việc tự học và học tập suốt đời của người dân; Từ đó, có căn cứ, cơ sở để đề xuất các giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cho các hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt là trong giáo dục mở; các giải pháp về nền tảng công nghệ, kết nối, tạo môi trường thuận lợi cho người học được tiếp cận, được công nhận kiến thức học tập thường xuyên, học tập suốt đời; các giải pháp thúc đẩy sự sẵn sàng của nhà giáo trong hoạt động trên môi trường số, sự sẵn sàng của người học trong việc tiếp thu kiến thức, tích luỹ  kỹ năng trên nền tảng công nghệ để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu”, PGS TS Nguyễn Thị Nhung nhấn mạnh.

 

TS Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu chỉ đạo tại chương trình

Phát biểu tại chương trình, TS Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Dưới sự phát triển rất nhanh chóng của công nghệ số thì chúng ta có thể tin tưởng vào việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập thông qua giáo dục mở với phương thức công nghệ số để qua đó khắc phục được nhiều hạn chế của giáo dục mở trước đây. Trong đó, phát triển giải pháp công nghệ là yếu tố giúp định hình trải nghiệm học tập nâng cao chất lượng giáo dục nhưng cũng luôn đi đôi với chi phí cao thì vô tình tạo ra rào cản tham gia học tập của đông đảo người dân, bên cạnh đó việc lựa chọn giải pháp công nghệ không chỉ đơn thuần là vấn đề công nghệ mà còn đúng nghĩa lựa chọn mô hình hoạt động hoàn toàn khác so với mô hình hoạt động truyền thống hiện nay.

“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số đồng hành để thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ số trong giáo dục, đặc biệt là các nền tảng giáo dục số để bình dân hóa việc đưa công nghệ số vào giáo dục với mức chi phí phù hợp với khả năng tiếp cận của đa số người dân”, TS Phan Tâm khẳng định.

Một số hình ảnh các báo cáo viên trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày các nội dung: Các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong giáo dục: thực trạng và giải pháp; Các vấn đề liên quan đến tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở: thực trạng và giải pháp. Các bài tham luận đều có sự tham gia thảo luận, phân tích, đánh giá được những nội dung trọng tâm liên quan đến các khái niệm, cơ sở lý luận về “chuyển đổi số trong giáo dục, chuyển đổi số trong giáo dục mở”; kỹ năng, năng lực số của xã hội; xã hội số, công dân số; đại học số, đại học ảo, đại học thông minh; mô hình tài nguyên giáo dục mở, khóa học trực tuyến đại chúng mở, học liệu mở; đào tạo trực tuyến; Kinh nghiệm, xu hướng của thế giới về mô hình đại học số, đại học ảo, đại học thông minh; cơ hội, thách thức, và giải pháp chuyển đổi số các mô hình đại học ở Việt Nam; Làm rõ thực trạng, những khó khăn, vướng mắc, những yêu cầu đặt ra và giải pháp đối với chuyển đổi số trong giáo dục nói chung, trong giáo dục mở nói riêng để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; Các đề xuất về giải pháp phát triển hạ tầng công nghệ, hạ tầng kết nối thông tin, các nền tảng, công cụ thông minh; hoàn thiện cơ sở dữ liệu; xây dựng tài nguyên giáo dục mở, học liệu mở, khoá học trực tuyến (MOOC – Massive open online course) và chia sẻ, khai thác; Các đề xuất, kiến nghị về công tác quản lý, tạo môi trường kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục và người học; cơ chế kiểm soát, đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo chất lượng và các quy định về sở hữu trí tuệ trong việc khai thác, chia sẻ dữ liệu, học liệu mở, tài nguyên giáo dục mở, các khóa học trực tuyến. Trong đó, các nghiên cứu khoa học có đối tượng và phạm vi cụ thể, chủ yếu tập trung vào miêu tả, phân tích, xử lý các vấn đề lý luận và thực tiễn.

Hình ảnh các đại biểu thảo luận, chia sẻ tại Hội thảo

GS TS Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh phát biểu kết luận Hội thảo

Kết luận Hội thảo, GS TS Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu đầy trách nhiệm, tâm huyết và đi sâu vào các vấn đề đặt ra tại Hội thảo. Đồng thời mong muốn, trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu đến từ các địa phương, cơ sở giáo dục và các cá nhân, tổ chức liên quan, Ban tổ chức hội thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện công tác chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, tạo cơ hội học tập bình đẳng của người dân ở các vùng miên, thúc đẩy học tập suốt đời của xã hội và cá nhân.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình

Tư vấn tuyển sinh