• Nhà B101, phố Nguyễn Hiền, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội

  • 024 38682321/ Email: mhn@hou.edu.vn

6
6

Tin tức - Sự kiện

Toạ đàm khoa học: Tác động của Fintech đối với hệ thống tài chính, ngân hàng và những vấn đề pháp lý đặt ra cho Việt Nam

Lượt xem: 469    07/06/2024

Ngày 7/6, Khoa Luật – Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tác động của Fintech đối với hệ thống tài chính, ngân hàng và những vấn đề pháp lý đặt ra cho Việt Nam”. Chương trình nhận được sự quan tâm tham dự của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên các ngành luật tại Trường Đại học Mở Hà Nội.

TS Hồ Ngọc Hiển – Trưởng khoa Luật phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, TS Hồ Ngọc Hiển – Trưởng khoa Luật gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, các chuyên gia và các cán bộ, giảng viên đã dành thời gian, tâm huyết đến tham dự Hội thảo. Đồng thời cho biết: FinTech làm thay đổi việc thực hiện các chức năng của hệ thống tài chính trên các khía cạnh dịch chuyển giá trị, dự trữ giá trị và cho vay, trao đổi giá trị, tài trợ và đầu tư tạo ra giá trị, bảo hiểm giá trị và quản lý rủi ro. Sự xuất hiện của tiền điện tử, chuỗi khối, ví điện tử, giao dịch tiền điện tử, cho phép sử dụng tiền điện tử thay thế tiền thật trong các hoạt động thương mại điện tử thông qua các phương pháp mã hóa, bảo mật. Công nghệ chuỗi khối hay sổ cái điện tử cho phép người dùng có thể truy cập được thông tin lịch sử của mọi giao dịch, nhưng vẫn đảm bảo an toàn việc bảo mật thông tin, cũng như ngăn chặn gian lận trong các giao dịch tài chính. Do đó, độ an toàn, bảo mật và minh bạch cao hơn so với sổ cái truyền thống của các định chế tài chính. Việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối tại các ngân hàng sẽ cho phép đơn giản hóa các giao dịch xuyên quốc gia, giảm thời gian giao dịch và chi phí, tăng tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Tại Việt Nam,  sự phát triển Fintech còn được thể hiện rõ nét qua việc các công ty khởi nghiệp công nghệ, các tổ chức không phải là ngân hàng (non-banks) có thế mạnh công nghệ tham gia vào các mảng hoạt động trong lĩnh vực tài chính -ngân hàng (công ty Fintech) dưới hình thức phát triển các giải pháp hỗ trợ hoạt động ngân hàng mà không trực tiếp cung ứng dịch vụ tới người dùng cuối (end-users) hoặc trực tiếp cung ứng giải pháp mới một cách độc lập. Cụ thể hơn, một vài năm gần đây đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của số lượng lớn các công ty Fintech (với hơn 100 công ty) tham gia vào nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P Lending), chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân... Lĩnh vực Fintech còn thu hút được sự tham gia của nhiều công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước, thường là các công ty có thế mạnh về công nghệ thông qua các hoạt động trực tiếp đầu tư hình thành các công ty Fintech, hay gián tiếp thông qua thành lập các quỹ đầu tư, tạo vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech.

 “Thông qua Toạ đàm này, các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu sinh và các học giả sẽ trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động của Fintech trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng ở Việt Nam, qua đó tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển chương trình đào tạo về lĩnh vực Fintech góp phần củng cố, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên, nhà khoa học trước những cơ hội và thách thức của thời đại số hóa hiện nay”, TS Hồ Ngọc Hiển mong muốn.

Hình ảnh các giảng viên, sinh viên cùng các chuyên gia, nhà khoa học trình bày tham luận trực tiếp và trực tuyến tại Toạ đàm

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày 07 tham luận: Vai trò của Fintech trong việc chuyển đổi các dịch vụ tài chính truyền thống; Luật hoá mô hình ngân hàng mở để tạo đòn bẩy phát triển hệ sinh thái Fintech và chuyển đổi số ngân hàng; Bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong bối cảnh phát triển Fintech; Hoàn thiện hành lang pháp lý về đảm bảo an toàn đối với hoạt động của Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam; Khung khổ pháp lý về kiểm soát rủi ro liên quan đến Fintech của Nhật Bản và một số gợi mở cho Việt Nam; Xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động Fintech ở Việt Nam hiện nay; Ứng dụng Block chain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng theo quy định pháp luật một số quốc gia trên thế giới và một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Hình ảnh các chuyên gia, các nhà khoa học thảo luận, phân tích tại toạ đàm

Các bài tham luận đều có sự tham gia thảo luận, phân tích, đánh giá trên cơ sở các luận bàn về những nội tác động của fintech đối với hệ thống tài chính, ngân hàng và những vấn đề pháp lý đặt ra cho Việt Nam, tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Sự cần thiết phải có hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động Fintech; Một số gợi ý nhằm hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động Fintech…trong đó các nghiên cứu khoa học có đối tượng và phạm vị cụ thể, chủ yếu tập trung vào phân tích, xử lý các vấn đề lý luận và thực tiễn trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình

Kết luận Toạ đàm, TS Hồ Ngọc Hiển – Trưởng khoa Luật biểu dương các giảng viên đã tích cực tham gia viết bài và tham luận tại Toạ đàm, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với công tác chuyên môn. Đồng thời mong muốn, các đại biểu tham dự toạ đàm tiếp tục quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến chuyên sâu nhằm hướng tới việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động Fintech đối với hệ thống tài chính, ngân hàng, qua đó giúp các cán bộ, giảng viên và sinh viên có cái nhìn đa chiều đối với các vấn đề đặt ra, tiếp tục hoàn thiện nội dung nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Mở Hà Nội nói chung và Khoa Luật nói riêng trong thời gian tới.

Tư vấn tuyển sinh