• Nhà B101, phố Nguyễn Hiền, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội

  • 024 38682321/ Email: mhn@hou.edu.vn

6
6

Thông báo

Trường Đại học Mở Hà Nội hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma tuý năm 2023

Lượt xem: 2203    06/06/2023

Ma túy vẫn đang còn là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Ma túy không chỉ là nguyên nhân của các mối bất hòa trong gia đình mà còn lai nguyên nhân dẫn đến tội phạm và gây mất trật tự, an toàn xã hội. Những tác hại và hậu quả của ma túy vẫn đang tác động và gây ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Vì vậy, “chung tay đẩy lùi ma túy ” không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hay các tổ chức liên quan đến việc phòng chống ma túy mà còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần, có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành. Các chất này khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý, có thể dẫn đến nghiện và từ đó gây tác hại về nhiều mặt đối với xã hội. Một số loại ma tuý thường gặp như thuốc phiện, mooc phin, heroin, cần sa, ma tuý tổng hợp.

Tác hại của ma tuý đối với bản thân:

Đối với bản thân người sử dụng ma tuý gây tổn hại về sức khoẻ như hệ tiêu hoá, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, làm suy giảm chức năng thải độc, dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động. Nghiện ma tuý dẫn đến tình trạng nhiễm độc ma tuý mãn tính, người gầy gò, xanh xao, mắt trắng, môi thâm, nước da tái xám, dáng đi xiêu vẹo, cơ thể gầy đét do suy kiệt hoặc phù nề do thiếu dinh dưỡng, rối loạn nhịp sinh học, thức đêm ngủ ngày, sức khoẻ giảm sút rõ rệt. Người nghiện ma tuý bị suy giảm sức lao động, giảm hoặc mất khả năng lao động và khả năng tập trung trí óc. Trường hợp sử dụng ma tuý quá liều có thể bị chết đột ngột.

Tác hại của ma tuý đối với xã hội:

Với xã hội, hàng năm, Nhà nước phải chi phí hàng ngàn tỷ đồng cho việc xóa bỏ cây thuốc phiện, cho công tác cai nghiện ma tuý, công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Ma túy cũng làm suy giảm lực lượng lao động của gia đình và xã hội cả về số lượng và chất lượng; làm cho thu nhập quốc dân cũng giảm, chi phí cho dự phòng và chăm sóc y tế lại tăng; ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài, khách du dịch; Ma tuý là nguyên nhân làm nảy sinh, gia tăng tình hình tội phạm trong nước gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự (trộm, cướp, buôn bán ma túy, buôn bán người, khủng bố...) là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển các tệ nạn xã hội khác (mại dâm, cờ bạc...).

Quả thật, ma túy đã trở thành một thách đố lớn mà gia đình, xã hội và nhà trường đang phải đương đầu. Để tránh những thảm họa do ma túy gây ra, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để tạo ra những môi trường, những cơ hội giúp các em nhận ra giá trị thật của bản thân, thấy được đâu là điều tốt đẹp cho gia đình và xã hội.

Theo đó, trong nhiều năm qua, song song với việc đào tạo kiến thức cho sinh viên, nhà trường đã thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm phổ biến, tuyên truyền giáo dục về tác hại của ma túy, cách phòng chống tệ nạn ma túy tới toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ nhớ, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về phòng, chống ma tuý trong toàn Trường.

Hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ma tuý năm 2023, Trường Đại học Mở Hà Nội đề nghị các đơn vị triển khai, thực hiện một số nội dung sau:

1. Thời gian triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2023 từ ngày 01/6 đến ngày 30/6/2023.

2. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy cho viên chức, người lao động (VCNLĐ) và người học trong nhà trường với các nội dung trọng tâm về hậu quả, tác hại của ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và các chất gây nghiện, chất hướng thần núp bóng các vỏ bọc, hình thức như: Tem giấy, bùa lưỡi, cỏ Mỹ, bóng cười.

3. Tổ chức lồng ghép các nội dung hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy vào các buổi sinh hoạt tổ công đoàn, sinh hoạt chi đoàn, chi hội sinh viên, trong các hoạt động tập thể của đơn vị.

Chi tiết thông báo xem tại đây

Tư vấn tuyển sinh