• Nhà B101, phố Nguyễn Hiền, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội

  • 024 38682321/ Email: mhn@hou.edu.vn

6
6

Tin tức - Sự kiện

Hội thảo Quốc gia với chủ đề Phát triển kinh tế số bền vững

Lượt xem: 506    25/10/2023

PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, PGS TS Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn đến các nhà khoa học, các chuyên gia và các cán bộ, giảng viên đã dành thời gian, tâm huyết đến tham dự Hội thảo và cho biết: Hội thảo là diễn đàn học thuật dành cho các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên giao lưu kinh nghiệm, trao đổi những thách thức và cơ hội phát triển kinh tế số, đồng thời tìm ra những giải pháp đổi mới, sáng tạo và thúc đẩy sự hợp tác đa phương để cùng nhau đóng góp và thúc đẩy kinh tế số trong thời kỳ mới.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, Hội thảo này không chỉ là diễn đàn trao đổi về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ giữa các giảng viên trong Trường với các nhà khoa học ở các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; là hành lang thúc đẩy gắn kết, hợp tác trong các hoạt động chuyên môn sắp tới; mà còn là nơi lan tỏa tri thức, kiến thức mới, tạo động lực học tập, nghiên cứu khoa học cho học viên, sinh viên của Trường Đại học Mở Hà Nội và các trường bạn có mặt trong Hội thảo ngày hôm nay. Chúng tôi tin tưởng rằng, Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ là đối tác tin cậy của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kinh tế - công nghệ”, PGS TS Nguyễn Thị Nhung nhấn mạnh.

PGS TS Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại chương trình, PGS TS Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT cho biết:  Trong những năm qua, nền kinh tế số của Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình tăng năng suất, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tối ưu hoá nền kinh tế để tăng trưởng, phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện kinh tế số vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mang tính thời đại.

“Muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn về chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số thành công là nhờ sự chung tay đóng góp rất lớn từ đội ngũ chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội. Thông qua các báo cáo khoa học, thảo luận, hội thảo sẽ chia sẻ những vấn đề lý luận và thực tiễn để đẩy mạnh ưu điểm và khắc phục hạn chế của nền kinh tế số”, PGS TS Trần Minh Tuấn mong muốn.

Ông Nguyễn Bình Minh - Uỷ viên BCH Hiệp Hội thương mại điện tử - VECOM báo cáo đề dẫn Hội thảo

Với bài đề dẫn “Phát triển Thương mại điện tử bền vững trong bối cảnh VUCA 3.0”, ông Nguyễn Bình Minh – Uỷ viên BCH Hiệp Hội thương mại điện tử - VECOM cho rằng: Các doanh nghiệp đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số như: thiếu kỹ năng và nhân lực (17%), Thiếu nền tảng công nghệ thông tin cho chuyển đổi số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số, các thách thức về văn hóa trong doanh nghiệp (15,7%), thiếu năng lực kết nối vận chuyển, thiếu nguyên liệu và nguồn lực sản xuất kinh doanh, thiếu niềm tin của khách hàng, trải nghiệm khách hàng hạn chế. Trong khi người tiêu dùng chuyển đổi số nhanh, cộng đồng người tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh thì nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ vai trò chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng 4.0. Trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp...

Ông Nguyễn Bình Minh đưa ra 5 giải pháp kinh doanh thương mại điện tử bền vững bao gồm: Kinh doanh thương mại điện tử có trách nhiệm, hàng hóa có chất lượng và có truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường; Đào tạo kiến thức thương mại điện tử bền vững cho các doanh nghiệp; Phối hợp nhiều công cụ số, phát triển các nền tảng kinh doanh số; Đẩy mạnh chuyển đổi số các địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực; Hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi và cơ hội, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số, đặc biệt là vấn đề phát triển bền vững - bao gồm phát triển đồng đều cả về kinh tế, xã hội và đảm bảo về môi trường.

Một số hình ảnh các báo cáo viên trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày 08 tham luận: Giải pháp phát triển kinh tế số ASEAN hậu Covid – 19; Những vấn đề lý luận, thực tiễn về phát triển đồng tiền kỹ thuật số và hàm ý chính sách cho Việt Nam; Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong quản trị nguồn nhân lực cho nền kinh tế số; Ảnh hưởng của sự phát triển chính phủ điện tử đến thương mại thuỷ sản của Việt Nam; Đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận Thương mại điện tử bền vững của DNNVV tại Hà Nội theo khung TOE; Ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý thuế giá trị gia tăng – Thực trạng và những vấn đề đặt ra với Việt Nam; Một số rào cản phát triển kinh tế số bền vững tại các quốc gia đang phát triển và khuyến nghị đối với Việt Nam; Ứng dụng của thực tế ảo (VR) và thực tế tăng trưởng (AR) trong TMĐT.

Hình ảnh các đại biểu thảo luận, chia sẻ tại Hội thảo

Các bài tham luận đều có sự tham gia thảo luận, phân tích, đánh giá được những nội dung trọng tâm liên quan đến phát triển kinh tế số. Trong đó, các nghiên cứu khoa học có đối tượng và phạm vi cụ thể, chủ yếu tập trung vào miêu tả, phân tích, xử lý các vấn đề lý luận và thực tiễn.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại chương trình

Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia tại Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, qua đó đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế số trong thời gian tới, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động chuyển đổi số nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng, gợi mở các giải pháp cần tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.

Tư vấn tuyển sinh