• Nhà B101, phố Nguyễn Hiền, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội

  • 024 38682321/ Email: mhn@hou.edu.vn

6
6

Thông báo

'Định hướng phát triển của Trường Đại học Mở Hà Nội' trên Báo Nhân dân

Lượt xem: 2275    21/01/2019

Ban Biên tập trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội của phóng viên Anh Ngọc đăng trên Báo Nhân Dân số đặc biệt Xuân Kỷ Hợi 2019 về định hướng phát triển của Nhà trường trong thời gian tới.

Kính mời quý vị đón đọc.

 

Trường Đại học Mở Hà Nội: Phát huy giá trị cốt lõi và sứ mạng “Mở cơ hội học tập cho mọi người”

Năm 2018 đánh dấu những thay đổi có tính bước ngoặt đối với Trường đại học Mở Hà Nội. Sau 25 năm thành lập, nhà trường đã phát huy được những giá trị cốt lõi của một đơn vị đào tạo hàng đầu với sứ mạng “mở cơ hội học tập cho mọi người”, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập của đất nước. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với tiến sĩ Trương Tiến Tùng chung quanh những định hướng phát triển của nhà trường trong thời gian tới.

Phóng viên (PV): Thưa tiến sĩ Trương Tiến Tùng, được biết, Trường Đại học Mở Hà Nội đổi tên từ Viện Đại học Mở Hà Nội theo quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ. Vậy đâu là lý do đổi tên và việc đó có ảnh hưởng thế nào tới công tác quản lý và đào tạo của Trường?

TS Trương Tiến Tùng: Từ ngày đầu thành lập, Viện Đại học Mở Hà Nội là đơn vị tiên phong theo mô hình giáo dục mở và đào tạo từ xa. Lúc đó, cụm từ "Viện Đại học" được hiểu là một trường đại học lớn, có chương trình học đa dạng và khái niệm tự chủ học thuật được đề cao. Sau này, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học có quy định cụ thể về tên gọi của các cơ sở giáo dục đại học. Để phù hợp với các quy định của pháp luật, Nhà trường đã đề xuất đổi tên.

Sau khi đổi tên, Trường Đại học Mở Hà Nội vẫn giữ nguyên cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, giá trị cốt lõi và sứ mạng “Mở cơ hội học tập cho mọi người”. Là một trường đại học tự chủ, Trường phát huy tính tự chủ trong các lĩnh vực được cho phép, chú trọng việc đổi mới, nâng cấp các chương trình đào tạo theo đúng định hướng ứng dụng đã theo đuổi trong 25 năm qua. Nói như vậy để thấy, việc đổi tên và được tự chủ đã và đang thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của Nhà trường.

PV: Ông có thể làm rõ việc xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng?

TS Trương Tiến Tùng: Trường xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, trong đó trọng tâm hướng tới vị trí việc làm, chú trọng kỹ năng làm việc, có chuẩn đầu ra cho từng năm học. Mỗi chương trình đào tạo đều có sự tham gia đóng góp ý kiến của chuyên gia, đơn vị sử dụng lao động và cựu sinh viên. Từ đó, sinh viên có thể định hướng lựa chọn vị trí làm việc tương lai ngay trong quá trình học, đồng thời có thể tham gia làm việc và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngay từ năm thứ 3, thứ 4.

PV: Như ông chia sẻ thì mỗi một sinh viên có thể có một chương trình đào tạo riêng?

TS Trương Tiến Tùng: Từ việc được định hướng lựa chọn vị trí làm việc trước nên mỗi sinh viên sẽ có một kế hoạch học tập riêng cho mình. Chúng tôi có đội ngũ cố vấn học tập chuyên nghiệp để hỗ trợ người học xây dựng kế hoạch này mọi lúc, mọi nơi thông qua môi trường học tập được ứng dụng công nghệ thông tin, điện toán đám mây. Từ đó, sinh viên có thể yên tâm sắp xếp thời gian học tập, làm việc. Nhiều sinh viên đăng ký học cùng lúc 2 ngành học để bổ trợ cho nhau trong công việc sau này. Đây chính là giải pháp cá nhân hóa chương trình đào tạo phù hợp với vị trí việc làm mong muốn của sinh viên.

Một góc Trường quay H1 của Trường Đại học Mở Hà Nội - nơi triển khai các hoạt động công nghệ phục vụ đào tạo

PV: Được biết, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2017 của Trường có việc làm đạt trên 95%. Theo ông, đâu là cơ sở để các đơn vị, doanh nghiệp lựa chọn sinh viên của Trường?

TS Trương Tiến Tùng: Thứ nhất, tôi khẳng định đó phải là chất lượng đào tạo. Nếu sinh viên của chúng tôi không đảm bảo được yêu cầu của công việc thì không có đơn vị, doanh nghiệp nào tuyển dụng cả.

Thứ hai, Trường công khai, minh bạch quá trình tổ chức đào tạo và rèn luyện của sinh viên. Mỗi sinh viên có một hồ sơ ghi nhận quá trình học tập, rèn luyện và được lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu đám mây để nhà tuyển dụng có thể theo dõi, lựa chọn và giám sát.

Thứ ba, chúng tôi tự hào về chất lượng dịch vụ phục vụ sinh viên. Trong 25 năm, chúng tôi đã đào tạo và cấp bằng cho hơn 170.000 người học. Mỗi sinh viên tốt nghiệp sẽ phản ánh tới công chúng hình ảnh của Nhà trường. Nếu chúng tôi phục vụ sinh viên không tốt, hình ảnh của Trường sẽ méo mó và không thể có chỗ đứng trong nền giáo dục và trong xã hội như ngày hôm nay.

 PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Báo Nhân dân Xuân Kỷ Hợi 2019 đăng bài phỏng vấn Hiệu trưởng Trương Tiến Tùng

Tư vấn tuyển sinh