• Nhà B101, phố Nguyễn Hiền, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội

  • 024 38682321/ Email: mhn@hou.edu.vn

6
6

Tin tức - Sự kiện

Sở hữu trí tuệ và Quyền tác giả: Cần phải cân bằng lợi ích giữa các chủ thể

Lượt xem: 1884    18/04/2019

Chương trình tọa đàm “Sở hữu trí tuệ và quyền tác giả” diễn ra ngày 18/4 tại Hội trường A, Trường Đại học Mở Hà Nội đã thu hút được đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, học viên của Nhà trường tham dự và chia sẻ quan điểm.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Tại trường Đại học Mở Hà Nội, song song với nhiều hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo, Nhà trường luôn quan tâm và khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những công trình nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn. Ý thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ (SHTT) trong sự phát triển, Nhà trường mời những chuyên gia cùng trao đổi về sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên nói riêng và của Nhà trường nói chung trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ...(KHTN-KT-CN).

PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm

Trong báo cáo tổng quan về quyền sở hữu trí tuệ và nhận diện quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực KHTN-KT-CN, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật - ĐHQGHN đã chỉ rõ vai trò của SHTT đối với sự phát triển. Thông qua cơ chế bảo hộ quyền SHTT, các tài sản trí tuệ sẽ được tham gia vào các giao dịch cấp vốn, liên doanh, các hình thức tạo nguồn thu khác của các chủ thể kinh doanh. PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh cũng trình bày các nguyên tắc cơ bản trong bảo hộ quyền SHTT; các đối tượng quyền SHTT cơ bản trong lĩnh vực KHTN–KT-CN và hình thức bảo hộ,…

Các đại biểu chăm chú lắng nghe phần trình bày của các báo cáo viên

Đối với vấn đề quyền tác giả của các sản phẩm nghiên cứu khoa học, sản phẩm sáng tạo và các ấn phẩm xuất bản, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh cho rằng: Cần phải cân bằng lợi ích giữa các chủ thể trong hoạt động nghiên cứu và triển khai (Research and Development – R&D), cụ thể là lợi ích của người sáng tạo (hay tác giả) và nhà đầu tư (chủ sở hữu).

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh: Cần cân bằng lợi ích giữa các chủ thể trong hoạt động R&D

TS. Hà Nguyệt Thu, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình bày cụ thể các căn cứ xác lập quyền SHTT, trình tự, thủ tục đăng ký xác lập quyền SHCN. Tiến sỹ Hà Nguyệt Thu cnhấn mạnh một số nguyên tắc cơ bản trong xác lập quyền như: Xác lập qua đăng ký, tự động xác lập, nguyên tắc ưu tiên, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên và Quyền có trước.

TS. Hà Nguyệt Thu trình bày báo cáo tại tọa đàm SHTT và Quyền tác giả

Theo TS. Hà Nguyệt Thu: Thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực KHTN-KT-CN xuất phát từ nhu cầu mang lại lợi ích cho tất cả các chủ thể; Biến đổi kết quả lao động trí tuệ và đầu tư thành hóa thị trường. Hơn nữa, đặc thù của đối tượng SHTT: không phải bản thân các sản phẩm được đưa lên thị trường mà là các quyền tài sản đối với các sản phẩm này, dẫn đến cần thu hút các đối tượng quyền SHTT vào trong lưu thông. Hay nói cách khác, Thương mại hóa quyền SHTT: là quá trình đạt được doanh thu kinh tế từ kết quả của hoạt động trí tuệ(TSTT); hoặc trong hoạt động kinh tế của chính TSTT đó nhằm tạo ra lợi nhuận.

Các đại biểu bày tỏ quan điểm về SHTT và quyền tác giả trong hoạt động NCKH

Bàn về việc khai thác thông tin sáng chế, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến nhiều đề tài "xếp ngăn kéo": Thứ nhất là, những đề tài nghiên cứu cơ bản. Đây là những nghiên cứu đi trước thời đại, phải có thời gian chờ đợi thời điểm thích hợp mới ứng dụng được. Thứ hai là những đề tài nghiên cứu ứng dụng. Loại nghiên cứu này phải kèm theo đầu tư, từ đó mới có sản phẩm thương mại ứng dụng ra thực tế. Tuy nhiên, trong nước không có nhiều doanh nghiệp có nhiều vốn nên có những đề tài nghiên cứu tốt nhưng không tìm được địa chỉ và phải chờ đợi đầu tư. Loại thứ ba, là một số đề tài xếp ngăn kéo thực sự và nghiên cứu ra không thể áp dụng được. Đây là những đề tài nghiên cứu không xuất phát từ thực tế mà xuất phát từ sở thích của người làm khoa học. Cho nên khi nghiên cứu xong không thể ứng dụng được vào thực tế.

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh trả lời câu hỏi của các đại biểu tham dự tọa đàm

Tư vấn tuyển sinh