• Nhà B101, phố Nguyễn Hiền, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội

  • 024 38682321/ Email: mhn@hou.edu.vn

6
6

Tin tức - Sự kiện

Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy kỹ năng theo hướng lấy người học làm trung tâm

Lượt xem: 398    11/11/2020

Năm học 2020 – 2021, Trường Đại học Mở Hà Nội triển khai nhiều hoạt động liên quan đến đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.

Ngày 11/11/2020, Trường Đại học Mở Hà Nội đã tổ chức tọa đàm "Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các học phần kỹ năng tại Khoa Luật - Trường Đại học Mở Hà Nội", nhằm chia sẻ những trải nghiệm, phương pháp của các giảng viên trong quá trình dạy học các môn kỹ năng ngành Luật. Tọa đàm diễn ra trong không khí ấm cúng, thân mật, cởi mở, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, đại diện Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân, quận Hoàn Kiếm, Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, Công ty TNHH Tư vấn AZLAW, Bross&Partners,...cùng đại diện lãnh đạo các khoa, phòng, ban, trung tâm và giảng viên ngành Luật trong trường.

TS. Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu đề dẫn

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng cho biết: Theo yêu cầu của xã hội và nền giáo dục hội nhập đầy cạnh tranh, các chương trình đào tạo phải liên tục được bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật. Bên cạnh đó cũng cần bỏ bớt các môn không còn phù hợp nhu cầu và đưa thêm vào chương trình học các môn học mới (chủ yếu là tự chọn). Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Mở Hà Nội cũng đã tích cực tiến hành đổi mới các CTĐT thông qua việc xây dựng nhiều học phần kỹ năng chưa có hay làm mới những CTĐT đã có. Việc làm này đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, vị thế của ngành Luật ngày càng được nâng cao, sinh viên ngành Luật ra trường ngày càng được xã hội công nhận về chuyên môn và ý thức kỷ luật. Thầy mong muốn các đại biểu tham dự tọa đàm sẽ góp ý để phân loại các học phần kỹ năng thành các học phần kỹ năng chung cho ba ngành Luật, Luật Kinh tế và Luật Quốc tế tại nhà trường.

PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Phó hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại tọa đàm

PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Phó hiệu trưởng Nhà trường thể hiện mong muốn qua tọa đàm sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh về thực trạng của việc đào tạo các kỹ năng cho sinh viên ngành Luật. Từ đó, các chuyên gia sẽ đưa ra các ý kiến góp ý về các chủ đề: ngoài các học phần kỹ năng hiện có trong các CTĐT, còn cần bổ sung các học phần kỹ năng nào không? Nội dung của các học phần kỹ năng hiện có có cần phải chỉnh sửa, bổ sung gì không? Cách thức tổ chức đào tạo các học phần kỹ năng này như thế nào? Cách thức kiểm tra, đánh giá các học phần kỹ năng này có gì đặc thù so với các môn học luật hay không?...

PGS.TS Trần Hữu Tráng – Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội bày tỏ mong muốn sự gắn kết giữa Nhà trường và các chuyên gia trong việc đào tạo kỹ năng nghề cho sinh viên

PGS.TS Trần Hữu Tráng – Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội chia sẻ: Chúng tôi rất mong muốn các thẩm phán, các luật sư, các chuyên gia cùng tham gia với Nhà trường trong lĩnh vực đào tạo sinh viên ngành luật. 

Tọa đàm đã nghe gần 10 tham luận liên quan đến công tác đổi mới các CTĐT. Các ý kiến tập trung về việc Bổ sung học phần như: Giải quyết tranh chấp ngoài tòa án; tư vấn về giải thể và phá sản DN; Kỹ năng tiếp cận hồ sơ vụ án; tập trung vào các hình thức đầu tư, các tổ chức kinh tế, các hình thức đầu tư nước ngoài, vấn đề sở hữu, biện pháp bảo hộ đầu tư, … Kỹ năng nghe - đọc - hiểu một vấn đề pháp lý cần giải quyết. Kỹ năng tóm tắt vụ việc; Kỹ năng nói vô cùng quan trọng trong nghề luật để thuyết phục người nghe; cần tăng cường các buổi thảo luận cũng như tăng cường các buổi đến thực tế…..

Các đại biểu tham gia góp ý tại tọa đàm

Luật sư Hoàng Văn Hướng – Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng cho biết: có 25% nhân viên tại Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng là cựu sinh viên ngành Luật của Trường Đại học Mở Hà Nội. Các bạn hiện đang giữ các vị trí trọng yếu như: Thư ký, quản trị văn phòng, luật sư, Chánh văn phòng,…Anh đánh giá rất cao về chất lượng đào tạo ngành Luật của Nhà trường.  Luật sư chia sẻ: Kỹ năng đối với sinh viên trước hết là kỹ năng sống, sau đó mới đến kỹ năng hành nghề. Trường nên tăng cường các học phần Kỹ năng tư vấn trong lĩnh vực hình sự. Người thầy đóng vai trò là người dẫn đường, truyền cảm hứng, truyền ngọn lửa đam mê với nghề cho sinh viên.

Luật sư Hoàng Văn Hướng – Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng đánh giá cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành Luật của Trường Đại học Mở Hà Nội

Tọa đàm khép lại với nhiều thông tin bổ ích và các kinh nghiệm quý báu được chia sẻ. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tọa đàm, tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm cho giảng viên ngành Luật nói riêng và 16 ngành đào tạo khác nói chung nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. 

Đại diện đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm

Tư vấn tuyển sinh